Tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt

Chủ tịch nước thăm cấp Nhà nước đến Singapore từ 26-28/9 tới và đến Malaysia từ 28-30/9 tới, theo lời mời của Tổng thống hai nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Singapore từ ngày 26-28/9 tới và đến Malaysia từ ngày 28-30/9 tới, theo lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Singapore, ngài Tony Tan Keng Yam và Quốc vương Malaysia, ngài Tuanku Mizan Zainal Billah Shah.

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sau khi được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Singapore là một quốc gia nhỏ nhất của Đông Nam Á với diện tích 700km2. Quốc đảo này hầu như không có tài nguyên, nguyên liệu đều phải nhập từ bên ngoài, hàng năm phải nhập lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu ở trong nước. Tuy nhiên, Singapore có cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển cao hàng đầu châu Á và thế giới như cảng biển, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, công nghiệp lọc dầu, chế biến, điện tử và lắp ráp máy móc tinh vi.

Singapore có 12 khu vực công nghiệp lớn, trong đó lớn nhất là Khu công nghiệp Jurong. Đây cũng là quốc gia hàng đầu về sản xuất ổ đĩa máy tính điện tử, hàng bán dẫn, đồng thời là trung tâm lọc dầu và vận chuyển quá cảnh hàng đầu ở châu Á.

Nền kinh tế Singapore chủ yếu dựa vào buôn bán và dịch vụ, chiếm tới 40% thu nhập quốc dân. Kinh tế Singapore từ cuối những năm 1990 đạt tốc độ tăng trưởng vào loại cao nhất thế giới. Tuy nhiên từ cuối 1997, do ảnh hưởng của khủng hoảng tiền tệ, đồng đôla Singapore (AUD) đã bị mất giá 20% và tăng trưởng kinh tế giảm mạnh. Từ năm 2004, Singapore lại đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; năm 2010 đạt 14,6%.

Singapore cũng được coi là nước đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức. Dự kiến đến năm 2018, Singapore sẽ trở thành một thành phố hàng đầu thế giới, một đầu mối của mạng lưới mới trong nền kinh tế toàn cầu và châu Á và một nền kinh tế đa dạng nhạy cảm kinh doanh.

Việt Nam và Singapore thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 01/8/1973. Tháng 12/1991, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore và tháng 9/1992, Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội, được thành lập.

Từ năm 1996 đến nay, Singapore luôn là một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch hai chiều năm 2010 đạt 6,2 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Singapore vào Việt Nam liên tục tăng trong những năm gần đây.

Tính đến tháng Bảy năm nay, Singapore có 937 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với số vốn đăng ký hơn 23 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện 6,67 tỷ USD; đứng thứ 3 trong số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Vốn đầu tư của Singapore trải đều trên nhiều lĩnh vực như khu công nghiệp, các ngành dịch vụ, cơ sở hạ tầng, công nghiệp xây dựng, bất động sản.

Nhìn chung, các dự án đầu tư của Singapore đều có hiệu quả cao, đóng góp đáng kể cho giải quyết việc làm, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Singapore và Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, phát triển nhân lực; đồng thời mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực Singapore có thế mạnh như tài chính, du lịch, ngân hàng, hoạch định chính sách...

Nếu Singapore được biết đến với các ngành công nghiệp phát triển hàng đầu như cảng biển, đóng tàu, điện tử... thì Malaysia lại là nước sản xuất và xuất khẩu dầu cọ, cao su hàng đầu trên thế giới. Ngoài ra, Malaysia có các ngành kinh tế phát triển mạnh là chế tạo, xây dựng và dịch vụ.

Sau khi giành được độc lập (31/8/1957), Malaysia là một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu. Những năm 1970, Malaysia thực hiện chính sách hướng Tây nhằm tranh thủ vốn và kỹ thuật. Đến đầu những năm 1980, Malaysia chuyển sang chính sách hướng Đông, chủ yếu tăng cường quan hệ với Nhật và một số nước NIC (nước công nghiệp mới), nhằm học tập và tranh thủ vốn, kinh nghiệm để hiện đại hóa đất nước.

Những năm gần đây, trong khi vẫn tranh thủ vốn, kỹ thuật và đầu tư của các nước phương Tây, các nước NIC, Malaysia đã thực hiện chính sách hướng Nam, tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển để mở rộng thị trường.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Malaysia trong giai đoạn từ 1970-1996 liên tục tăng và ở mức cao bình quân 6,7%/năm, cao nhất là năm 1990 đạt 9,8%. Trong 2 năm 1997 và 1998, kinh tế Malaysia rơi vào khủng hoảng khá trầm trọng, tăng trưởng GDP năm 1998 -6,7%, đồng ringgit (MYR) mất giá 65%. Tuy nhiên, nhờ có biện pháp khắc phục khủng hoảng đúng đắn trong đó có việc ấn định tỷ giá và kiểm soát vốn, nền kinh tế Malaysia từ đầu năm 1999 đến nay đã phục hồi khá nhanh.

Tăng trưởng kinh tế (GDP) trong những năm gần đây khá ổn định, trung bình trên 6%/năm. Năm 2010, Chính phủ Malaysia đã thành công trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế khi nhanh chóng chuyển hướng thị trường xuất khẩu từ các nước truyền thống như EU, Bắc Mỹ sang các thị trường khác như châu Á, Trung Đông và đưa ra hai gói kích cầu trị giá khoảng 18 tỷ USD.

Kinh tế Malaysia đã thoát khỏi khủng hoảng, đạt tăng trưởng 7,2%. Malaysia đang thực hiện mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2020 với thu nhập bình quân đầu người là 15.000 USD.

Ngày 30/3/1973, Việt Nam và Malaysia thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 1976, hai nước lập Đại Sứ quán ở Thủ đô mỗi nước. Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 trong ASEAN và lớn thứ 9 của Việt Nam.

Kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng trưởng nhanh chóng những năm gần đây, năm 2009 đạt hơn 4 tỷ USD, năm 2010 đạt 5,5 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Malaysia là dầu thô, gạo, cà phê, hải sản, dầu mỡ động thực vật…Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sắt thép, xăng dầu, dầu mỡ động thực vật, chất dẻo nguyên liệu, máy móc thiết bị, máy vi tính và sản phẩm điện tử…

Hiện nay, Malaysia đứng thứ 5 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tính đến hết tháng 7/2010, Malaysia có 386 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký khoảng 18,8 tỷ USD. Việt Nam đầu tư vào Malaysia 7 dự án, với số vốn hơn 812 triệu USD.

Đầu tư của Malaysia ở Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực khai khoáng, thông tin truyền thông... Lao động là lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước. Ngoài ra, hợp tác trên các lĩnh vực: giáo dục, dầu khí, cao su, nông nghiệp, văn hóa, thể dục-thể thao, du lịch... giữa hai nước cũng đang phát triển tốt đẹp.

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân tới Singapore và Malaysia khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với Singapore và Malaysia trên bình diện song phương cũng như tại các diễn đàn khu vực và quốc tế./.

Đỗ Quyên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục