Tăng cường quản lý nhà nước đối với tài nguyên

Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự nhất trí với quan điểm nâng Pháp lệnh thuế tài nguyên thành Luật thuế tài nguyên.
Sáng 3/11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật thuế tài nguyên, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự nhất trí với quan điểm nâng Pháp lệnh thuế tài nguyên thành Luật thuế tài nguyên.

Tuy nhiên, việc nâng Pháp lệnh lên thành Luật phải tạo công cụ quản lý vĩ mô quan trọng để khai thác tốt nguồn lực tài nguyên phục vụ quá trình phát triển kinh tế và bảo đảm quản lý, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên của đất nước, nhất là nguồn tài nguyên không tái tạo; góp phần sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Việc ban hành luật phải tạo khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, cụ thể, khắc phục tình trạng phải hướng dẫn và ban hành nhiều văn bản dưới luật, liên quan đến nhiều nội dung thuộc phạm vi quy định của luật, tạo tiền đề cho pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.

Thảo luận thẩm quyền quy định thuế suất cụ thể trong khung thuế suất thu hút nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội. Biểu khung thuế suất trong Dự thảo luật được giữ như quy định hiện hành với 8 nhóm đối tượng chịu thuế; khung thuế suất được áp dụng theo các nhóm, không có khung cho từng đối tượng chịu thuế. Chính phủ quyết định mức thuế suất cụ thể tại từng thời điểm đối với từng đối tượng chịu thuế.

Xung quanh nội dung này, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Triệu Sỹ Lầu (Cao Bằng) và nhiều ý kiến khác cho rằng quy định như trong dự thảo Luật giao cho Chính phủ quyết định mức thuế suất như hiện này là chưa hợp lý vì căn cứ vào Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội thì chỉ Quốc hội có thẩm quyền quyết định các vấn đề thuộc chính sách thuế, trong đó quyết định mức thuế suất cụ thể áp dụng cho mọi tổ chức, cá nhân.

Trong trường hợp thật đặc biệt, để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng thời kỳ, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thuế suất cụ thể.

Đại biểu Lê Văn Hưng (Hưng Yên), Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) lại có quan điểm khác cho rằng nên quy định Quốc hội chỉ quyết định khung thuế suất; mức thuế suất cụ thể do Chính phủ quy định trên nguyên tắc bảo đảm không thất thu ngân sách nhà nước và tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác tài nguyên hiệu quả. Quy định như dự thảo luật sẽ tạo cơ chế điều hành linh hoạt, kịp thời, hiệu quả cho Chính phủ.

Về biên độ khung thuế suất, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) và nhiều ý kiến đều đánh giá khung thuế suất đối với các loại tài nguyên đều có biên độ khá rộng. Việc mở rộng khung thuế suất tuy tạo sự linh hoạt song lại không bảo đảm tính chặt chẽ trong việc quy định thuế suất, có thể dẫn đến không công bằng, tạo chênh lệch lớn trong cùng một nhóm hàng, giữa các thời điểm khác nhau.

Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét thu hẹp biên độ khung thuế suất; đồng thời phân loại, quy định chi tiết từng mặt hàng trong cùng một nhóm hàng để quy định cụ thể khung thuế suất riêng biệt, bảo đảm không mở quá rộng khung thuế suất nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu quản lý việc khai thác tài nguyên trong từng thời kỳ.

Thảo luận về thuế suất đối với tài nguyên không tái tạo, đa số ý kiến đều cho rằng việc khai thác ồ ạt nguồn tài nguyên không tái tạo trong những năm gần đây đã dẫn đến hậu quả tài nguyên cạn kiệt, thu ngân sách nhà nước không tương xứng với giá trị tài nguyên.

Các ý kiến đều cho rằng, đi đôi với việc tăng cường trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng, Dự thảo luật cần bổ sung khung thuế suất trên cơ sở phân biệt theo loại tài nguyên thiên nhiên, loại không tái tạo được chịu mức thuế suất cao hơn loại tái tạo được nhằm góp phần sử dụng tài nguyên hợp lý, tránh thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước; đồng thời hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường.

Đối với nội dung miễn, giảm thuế, nhiều ý kiến cho rằng quy định về miễn giảm thuế đối với “một số loại tài nguyên khác theo quy định của Chính phủ” sẽ tạo ra sự không rõ ràng, đề nghị bỏ quy định này để tạo sự minh bạch, cụ thể trong ban hành, thực thi pháp luật.

Nhiều ý kiến tán thành với việc quy định tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản xa bờ được miễn thuế trong 5 năm kể từ khi được cấp giấy phép và giảm 50% trong các năm tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục