Tăng cường thông tin về chiến lược thích ứng linh hoạt với COVID-19

Bộ Y tế đề nghị ngành y tế địa phương tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những người về từ các địa bàn dịch cấp độ 3, 4.
Tăng cường thông tin về chiến lược thích ứng linh hoạt với COVID-19 ảnh 1Lực lượng y tế lẫy mẫu xét nghiệm cho người dân thành phố Buôn Ma Thuột. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 16 giờ ngày 6/11 đến 16 giờ ngày 7/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 7.646 ca mắc mới, trong đó 15 ca nhập cảnh; 7.631 ca ghi nhận trong nước (tăng 151 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố (có 3.332 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố có số ca nhiều nhất gồm: Thành phố Hồ Chí Minh (1.009), Đồng Nai (997), Bình Dương (826), An Giang (427), Kiên Giang (398), Tây Ninh (393), Bạc Liêu (298), Đồng Tháp (289), Bình Thuận (279), Sóc Trăng (238), Tiền Giang (233), Cần Thơ (210), Cà Mau (184), Đắk Lắk (151), Bà Rịa - Vũng Tàu (150), Vĩnh Long (128), Long An (119), Hà Giang (116), Bình Phước (114).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 968.684 ca mắc, 840.402 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; 22.531 ca tử vong.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.280 ca, trong đó thở ôxy qua mặt nạ là 2.322; thở ôxy dòng cao HFNC là 521; thở máy không xâm lấn là 116; thở máy xâm lấn là 308 và có 13 trường hợp thực hiện ECMO.

Ngày 7/11, lô vaccine Pfizer với hơn 1,2 triệu liều đã về đến Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, ngày 6/11, lô vaccine Pfizer với 1,3 triệu liều đã về đến Hà Nội. Với 2 lô vaccine này đã nâng tổng số vaccine mà Mỹ tặng Việt Nam đến nay lên hơn 14,6 triệu liều.

Bộ Y tế đề nghị ngành y tế địa phương tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những người về từ các địa bàn dịch cấp độ 3, 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ.

Đồng thời các đơn vị chức năng tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu về chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới; không mặc cảm, kỳ thị những người mắc hoặc nghi mắc COVID-19.

Người dân về từ các địa bàn có nguy cơ chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định.

Hướng dẫn quy trình xác thực thông tin người dân trên nền tảng Quản lý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các Bộ Công an, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Y tế bộ, ngành về việc hướng dẫn Quy trình xác thực thông tin người dân trên nền tảng Quản lý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật; chỉ đạo đơn vị phát triển hoàn thiện các chức năng, tính năng của Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 đáp ứng yêu cầu thực hiện quy trình.

[TP.HCM: 96% doanh nghiệp hoạt động lại sau 1 tháng nới lỏng giãn cách]

Bộ Công an thực hiện việc kiểm tra, đối sánh (đúng /sai) thông tin của người dân đã tiêm chủng trên nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 với thông tin người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công an địa phương trong việc tiếp nhận thông tin và phối hợp với chính quyền địa phương, ngành Y tế để triển khai các hoạt động xác thực theo quy trình.

Việc xác thực thông tin trên nguyên tắc ngành Y tế xác thực thông tin về tiêm chủng, ngành Công an xác thực thông tin về định danh cá nhân.

Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế, Công an tỉnh, thành phố và chính quyền địa phương triển khai việc tiếp nhận thông tin và xác minh thông tin đối tượng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo quy trình.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Y tế bộ, ngành và các cơ sở tiêm chủng (nhà nước và tư nhân) triển khai tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 chủ động phối hợp với cơ quan Công an, chính quyền địa phương để triển khai hoạt động theo quy trình; thực hiện xác thực thông tin người dân trên Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 theo quy trình được ban hành.

Trên cơ sở thông tin của người dân đã tiêm chủng (bao gồm bắt buộc 4 thông tin: Họ và tên, Giới tính, ngày, tháng, năm sinh, số CCCD/CMT) trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 chia sẻ, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an sẽ tiến hành kiểm tra, đối sánh thông tin người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Các trường ở huyện Ba Vì chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đón học sinh lớp 9 tới trường

Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì (Hà Nội), chuẩn bị cho học sinh khối lớp 9 tới trường học trực tiếp vào sáng 8/11, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đã chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ các điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

Tăng cường thông tin về chiến lược thích ứng linh hoạt với COVID-19 ảnh 2Các phòng học tại Ba Vì đều được vệ sinh, khử khuẩn. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Do huyện Ba Vì hiện vẫn là vùng xanh, không xuất hiện thêm ca F0 nên đây là địa phương duy nhất được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho phép đón học sinh trở lại trường đối với khối lớp 9.

Việc diễn tập tình huống đón học sinh tới trường cũng được Ủy ban Nhân dân huyện tổ chức vào sáng 7/11 tại Trường Trung học cơ sở Cổ Đô (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì). Cuộc diễn tập có sự tham gia của lãnh đạo các xã, thị trấn, Ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên của các nhà trường.

Toàn bộ 12 nội dung cụ thể được tổ chức diễn tập gồm: Công tác chuẩn bị trước khi học sinh đến trường; đón và hướng dẫn học sinh khi đến cổng trường, xếp xe; hướng dẫn học sinh vào lớp học theo phân luồng, bảo đảm giãn cách; đón học sinh tại cửa phòng học, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; quản lý và theo dõi sức khỏe học sinh trong giờ học; xử lý các tình huống khi học sinh có dấu hiệu ho, sốt, khó thở; phương án xử lý khi có trường hợp F0, F1, F2 trong lớp; hướng dẫn học sinh các công việc cần làm cuối mỗi buổi học; phân luồng học sinh ra về bảo đảm giãn cách…

Trước đó, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì cùng các phòng chức năng liên quan như: Phòng Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tới kiểm tra phương án và thực tế công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 tại một số trường học trên địa bàn huyện.

Huyện Ba Vì hiện có 31 xã, thị trấn với 35 trường Trung học cơ sở, Phổ thông cơ sở, Phổ thông dân tộc nội trú có học sinh khối lớp 9.

Theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố và căn cứ diễn biến dịch bệnh, để bảo đảm an toàn cho học sinh, ngày 8/11, có 29 trường học sẽ đón học sinh đi học trực tiếp tại trường.

Riêng khối lớp 9 của Trường Trung học cơ sở Vân Hòa sẽ đi học trực tiếp từ ngày 10/11. Tổng số học sinh khối lớp 9 đi học trực tiếp của toàn huyện là hơn 3.800 em.

Tính đến 17 giờ ngày 7/11, các nhà trường trên địa bàn huyện Ba Vì đã bảo đảm các tiêu chí trường học an toàn, sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đón học sinh trở lại trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục