Tăng diện tích trồng lúa Thu Đông ở đồng bằng sông Cửu Long

Theo Cục Trồng trọt, vụ Thu Đông 2016, vùng đồng bằng sông Cửu Long dự kiến gieo sạ 867.300 ha, tăng hơn 24.100ha so với vụ trước.
Tăng diện tích trồng lúa Thu Đông ở đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Ngày 22/6, tại tỉnh An Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã sơ kết vụ Hè Thu 2016 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông, vụ Mùa 2016 tại Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, đây là năm khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, các vụ Đông Xuân, Hè Thu đều giảm về diện tích, sản lượng. Do vậy, vụ Thu Đông, Mùa năm 2016 sẽ tập trung tăng diện tích để bù lại sản lượng; trong đó chú trọng về đê bao, đảm bảo an toàn cho sản xuất.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý, do năm nay gặp khó khăn về thời tiết, nên các vụ sản xuất bị trễ lịch thời vụ hơn các năm, vì vậy để không ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất vụ lúa Đông Xuân năm sau, đề nghị các địa phương tuân thủ lịch thời vụ, tránh xâm nhập mặn.

Theo Thứ trưởng, quan trọng nhất trong canh tác cho vụ Thu Đông ở đồng bằng sông Cửu Long là gia cố đê bao an toàn, không nên chủ quan vì nhiều năm liền đồng bằng sông Cửu Long không có lũ. Cần đề nghị các cơ quan ban, ngành kịp thời đưa ra dự báo liên tục kịp thời cho các địa phương để nắm bắt sát, có định hướng cho vùng canh tác lúa, kiểm soát dịch bệnh và cảnh giác cao trong công tác đê bao để đảm bảo vụ Thu Đông thắng lợi.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng thống nhất tăng diện tích vụ lúa Thu Đông cho đồng bằng sông Cửu Long, nhưng cần quy hoạch cụ thể diện tích ở đâu trồng lúa chất lượng, vùng nào trồng lúa hàng hóa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ưu tiên tài chính để sản xuất lúa Thu Đông, đề nghị các địa phương cần tuyên truyền mạnh để người dân thực hiện.

Cục Trồng trọt cho biết, trong vụ Thu Đông năm nay, tổng lượng mưa đầu vụ dự báo sẽ thấp, và cuối vụ bằng với các năm trước, lũ về muộn và thấp hơn so với cùng kỳ. Về giải pháp cho sản xuất vụ Thu Đông, đề nghị các địa phương rà soát lại các vùng đê bao, theo dõi thời tiết, cần có thời gian trống cho đồng ruộng, sau đó mới xuống giống, nhằm giảm tình trạng ngộ độc hữu cơ.

Lịch thời vụ xuống giống ở vụ Thu Đông nên thực hiện vào cuối tháng 7, và đầu tháng 8/2016, nếu xuống giống chậm, phải dứt điểm xuống giống chậm nhất đến ngày 30/8. Cơ cấu nên tăng đưa giống lúa chất lượng cao vào canh tác, chọn giống cứng cây, giảm lượng phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn để đảm bảo xuất khẩu…

Ông Dương Quang Xô, Viện Quy hoạch thủy lợi Trung ương đề nghị, các tỉnh, thành tăng diện tích vụ Thu Đông để bù lại thiệt hại ở vụ Hè Thu, đồng thời đề nghị các tỉnh có sản xuất lúa Thu Đông cần có biện pháp trữ nước sau thu hoạch để phục vụ cho sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2016-2017.

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, riêng An Giang vụ Thu Đông tỉnh sẽ tăng thêm diện tích lúa ở vùng có bao đê chủ động theo công thức 3 năm 8 vụ, và sẽ tăng từ 15.000-18.000ha, đảm bảo an toàn. An Giang sẽ xuống giống vào 15/7/2016 và thu hoạch trước đỉnh lũ về, như vậy tỉnh có thể an toàn xã lũ cho đất nghĩ, để lấy phù sa an toàn, đảm bảo cho vụ lúa Đông Xuân 2017.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang cho biết, trước tình hình bị thiệt hại trong vụ lúa Hè Thu, dự kiến vụ Thu Đông tỉnh Hậu Giang sẽ tăng thêm từ 10.000ha đến 15.000ha lúa, với tổng diện tích xuống giống trên 55.000ha.

Đến thời điểm này, tỉnh đã xuống giống được 7.000ha, bên cạnh đó cơ sở hạ tầng và các vùng đê bao tương đối tốt, tỉnh đang liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu lúa cho nông dân.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, vụ Hè Thu năm 2016 gặp khó khăn nhất ở các tỉnh, thành phía Nam, do nắng nóng kéo dài và xâm nhập mặn gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.

Các tỉnh, thành phía Nam xuống giống trên 1,7 triệu ha, đạt 97% kế hoạch, giảm hơn 44.500ha, năng suất ước đạt 56 tạ/ha, tăng 1,38 tạ/ha so vụ năm trước và sản lượng ước đạt gần 9,6 triệu tấn; trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ hơn 1,6 triệu ha, năng suất đạt 56 tạ/ha, tăng 1,39 tạ/ha và sản lượng đạt gần 9,2 triệu tấn, giảm 5.328 tấn so với vụ Hè Thu 2015.

Theo kế hoạch của Cục Trồng trọt, vụ Thu Đông 2016 vùng đồng bằng sông Cửu Long dự kiến gieo sạ 867.300 ha, tăng hơn 24.100ha, năng suất 5,57 tấn/ ha và sản lượng đạt trên 4,828 triệu tấn, tăng 220.303 tấn so vụ trước.

Vụ Mùa 2016 toàn vùng Nam bộ gieo sạ 286.037 ha, giảm 46.954ha, năng suất 4,7 tấn/ ha, sản lượng đạt hơn 1,3 triệu tấn, giảm hơn 172.000 tấn so vụ Mùa 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục