Tăng hệ thống giám sát phát hiện bệnh truyền nhiễm

Ngành y tế tiếp tục tăng giám sát để phát hiện sớm và xử lý kịp thời không để dịch bùng phát, phấn đấu giảm 5-10% số ca mắc, tử vong.
Ngày 22/2, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống cúm A/H5N1 và triển khai kế hoạch phòng dịch năm 2012.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định ngay từ đầu năm 2012, Bộ Y tế đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, tập trung vào một số bệnh nổi bật là cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, tây chân miệng, não mô cầu và sốt xuất huyết. Khi xảy ra dịch bệnh, Bộ Y tế sẽ cung cấp thông tin kịp thời đến người dân để chủ động phòng, chống dịch bệnh lây lan trên diện rộng; và khi có đầy đủ các điều kiện thì sẽ công bố dịch.

Riêng về dịch cúm A/H5N1, A/H1N1, Thứ trưởng Long nhấn mạnh ngay sau khi có những ca bệnh đầu tiên, Bộ Y tế đã họp và thành lập 2 đoàn công tác liên ngành cuối năm 2011 và 12 đoàn vào đầu năm 2012; đồng thời huy động tất cả các địa phương tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh; yêu cầu các địa phương rà soát lại hệ thống điều trị, tăng cường thêm các trang thiết bị để kịp thời phát hiện và điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân.

Để công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm đạt hiệu quả, năm 2012, ngành y tế tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát để phát hiện sớm và xử lý kịp thời không để dịch bùng phát lan rộng; phấn đấu giảm 5-10% số mắc, chết do các bệnh truyền nhiễm lưu hành so với trung bình giai đoạn 2006-2010; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, thực hiện tốt chỉ tiêu 3 công trình vệ sinh: nhà tắm, giếng nước và nhà tiêu tại các hộ gia đình; tổ chức 6 đơn vị tập huấn điều trị bệnh truyền nhiễm tại các bệnh viện: Bệnh nhiệt đới Trung ương, Nhi Trung ương, Trung ương Huế, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, ngành y tế sẽ thực hiện các giải pháp giảm tử vong như tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến, bệnh viện trung ương điều trị các trường hợp rất nặng, bệnh viện tỉnh điều trị các trường hợp nặng và bệnh viện huyện điều trị các trường hợp thông thường; đồng thời, bổ sung phác đồ điều trị một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, phác đồ chống sốc, chống kháng thuốc; trang bị phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân; tổ chức các đội điều trị cấp cứu cơ động để hỗ trợ tuyến dưới.

Bên cạnh đó, ngành y tế tăng cường công tác truyền thông nhằm thay đổi cách thức, thói quen chăn nuôi của người dân; khuyến cáo người dân không sử dụng thịt gia cầm chết, bị bệnh.

Thứ trưởng nhận định thời gian tới, Việt Nam có nguy cơ xuất hiện thêm các trường hợp mắc cúm do tập quán chăn nuôi của người dân, tập quán giết mổ, sử dụng gia cầm, đặc biệt diễn biến dịch rất khó đoán và đã xuất hiện biến chủng kháng lại vắc xin. Tuy nhiên, ngành y tế đã chuẩn bị tất cả các phương án để phòng chống dịch bệnh chủ động và kịp thời.

Tại Việt Nam, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Trong đó có một số dịch bệnh đang lưu hành với số người mắc và tử vong cao như cúm A/H5N1, tay chân miệng, bệnh do não mô cầu và bệnh sốt xuất huyết.

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 2 trường hợp mắc và tử vong do cúm A/H5N1 tại Kiên Giang và Sóc Trăng; 6.328 trường hợp mắc tay chân miệng tại 60 địa phương, trong đó có 9 trường hợp tử vong tại 7 tỉnh; 10 trường hợp mắc bệnh do não mô cầu tại 6 địa phương, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại Hà Nội và Nam Định; 4.751 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 34 địa phương, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại Thành phố Hồ Chí Minh./.

Thu Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục