Tăng lương tối thiểu vùng: Những thách thức không dễ vượt qua

Tăng lương hàng năm đã trở thành quy định quen thuộc, thế nhưng đằng sau tiền lương thiểu còn nhiều vấn đề khác đang làm khó cho cả người lao động và doanh nghiệp.
Tăng lương tối thiểu vùng: Những thách thức không dễ vượt qua ảnh 1Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp phiên đầu tiên thảo luận về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019. Tăng lương hàng năm đã trở thành quy định quen thuộc, thế nhưng đằng sau tiền lương thiểu còn nhiều vấn đề khác đang làm khó cho cả người lao động và doanh nghiệp.

[Cải cách chính sách tiền lương: Lương thấp, "làm khó để ló ra tiền"]

Phóng viên báo VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, người đã xây dựng Hội đồng Tiền lương Quốc gia để bàn luận các vấn đề về lương tối thiểu hiện nay.

- Ông dự báo thế nào về mức điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2019?

Ông Phạm Minh Huân: Theo tôi, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2019 cần hướng đến mục tiêu bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động đã quy định trong Bộ luật Lao động với lộ trình được xác định tại Nghị quyết Trung ương lần thứ bảy, khóa XII. Căn cứ để xác định mức tăng vẫn phải dựa vào tình hình phát triển kinh tế, xã hội, thị trường lao động và khả năng của doanh nghiệp.

Trên cơ sở các căn cứ này, các bên sẽ chi tiết thành các tiêu chí cụ thể để tính toán phương án của mình để trao đổi tại phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia, theo dự báo của tôi thì mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 khoảng 5-6% (khoảng 150.000-200.000 đồng/tháng) là hài hòa, vừa bảo đảm tiền lương thực tế và có cải thiện chút ít đời sống cho người lao động. Với mức tăng này thì chi phí của doanh nghiệp tất nhiên cũng tăng lên nhưng vì người lao động thì doanh nghiệp nên cân nhắc vấn đề này.

- Đối với mục tiêu tiền lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu, liệu lộ trình tăng lương đã gần đến đích chưa, thưa ông?

Ông Phạm Minh Huân: Nếu theo số liệu tính toán trước đây thì mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đến năm 2019 cũng gần đạt mức nhu cầu tối thiểu (khoảng trên 90%), tất nhiên nhu cầu này được tính toán tương ứng với điều kiện kinh tế xã hội trong giai đoạn này.

Một số chuyên gia cho rằng nhu cầu tối thiểu khó xác định nên căn cứ vào mức sống tối thiểu, thực ra cả hai tiêu chí này đều chạy và chẳng tiêu chí nào dễ xác định, vì đều do nghiên cứu giả định ra cả, khi áp vào thực tế thì phong phú hơn nhiều.

- Các doanh nghiệp cho rằng mức đóng bảo hiểm xã hội của Việt Nam cao, việc tăng lương tối thiểu vùng càng làm tăng áp lực đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về những khó khăn này?


Ông Phạm Minh Huân:
Vấn đề này hoàn toàn đúng, trên thực tế việc tăng lương tối thiểu vùng, việc quy định bậc lương theo thâm niên với khoảng cách không thấp hơn 5% và việc đóng bảo hiểm xã hội trên tổng thu nhập theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đang đẩy nhiều doanh nghiệp trước những thách thức không dễ vượt qua, nhất là những doanh nghiệp sản xuất hàng gia công, sử dụng nhiều lao động.

Những phản ánh của doanh nghiệp, thậm chí có thể dùng từ “kêu cứu” của doanh nghiệp khó khăn, rất tiếc đến nay chưa có giải pháp cụ thể gì giúp họ cả, tôi không rõ cơ quan nghiên cứu, quản lý có trăn trở trước những khó khăn, bức xúc của doanh nghiệp không để tìm ra giải pháp cụ thể thiết thực giúp doanh nghiệp.

- Việc điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm ảnh hưởng thế nào đến lợi thế “nhân công giá rẻ” của Việt Nam trong thu hút đầu tư?

Ông Phạm Minh Huân: Đương nhiên việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng hằng năm sẽ tác động đến mặt bằng tiền công trên thị trường lao động và lợi thế nhân công trong thu hút đầu tư. Mức độ ảnh hưởng thế nào, đâu là giới hạn và mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố này như thế nào tôi chưa thấy được quan tâm nghiên cứu một cách thực chất.

Tăng lương tối thiểu vùng: Những thách thức không dễ vượt qua ảnh 2Lương tối thiểu vùng đươc điều chỉnh tăng hàng năm. (Ảnh minh họa: TTXVN)

- Việc tăng lương liên tục đang khiến các doanh nghiệp nước ngoài phải cân nhắc lại việc đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam hoặc thậm chí di chuyển đến các nước có giá nhân công rẻ hơn, chính sách về bảo hiểm xã hội, lao động “thông thoáng” hơn, ông nhận định thế nào về tình trạng này?

Ông Phạm Minh Huân: Đây là một thực tế, khi chúng ta có lợi thế thì nhà đầu tư tìm đến để khai thác, tận dụng lợi thế đó. Khi lợi thế giảm dần thì họ phải khắc phục đưa máy móc thiết bị để thay thế lao động hoặc tìm đến nơi khác có lợi thế hơn chúng ta, bài toán hiệu quả đầu tư thì cả thế giới là giống nhau, trừ những việc đầu tư vì mục tiêu khác.

Điều chúng ta cần tính đến khi họ không mở rộng hoặc thậm chí giảm hay rút khỏi Việt Nam thì những hệ lụy gì, giải pháp khắc phục ra sao để đỡ bị động, lúng túng.

- Thời gian qua, hàng nghìn người lao động đã đình công vì quy định điều chỉnh thang lương, bảng lương, thực tế các cuộc đình công liên quan đến tiền lương ngày càng nhiều, theo ông đâu là những “điểm nóng” của vấn đề tiền lương hiện nay?

Ông Phạm Minh Huân: Nếu xét tổng thể các cuộc tranh chấp, đình công xảy ra thời gian vừa qua thì trên 80% nguyên nhân xuất phát từ vấn đề tiền lương như tiền lương tối thiểu, thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền thưởng hoặc có liên quan đến tiền lương như định mức lao động, hình thức trả lương, nâng bậc lương, tậm ứng, khấu trừ tiền lương.

Về bản chất do tiền lương là chi phí đầu vào ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp nên người sử dụng lao động luôn luôn quan tâm để tổng chi phí này không tăng hoặc tăng chậm, thậm chí khi sản xuất, kinh doanh khó khăn thì phải giảm chi phí này xuống.

Đối với người lao động thì tiền lương, thu nhập để trang trải cuộc sống nên mong muốn được tăng lên (doanh nghiệp điều chỉnh khi Nhà nước tăng lương tối thiểu, nâng bậc lương hàng năm hoặc làm đêm, làm thêm giờ…). Mong muốn của hai bên về vấn đề này luôn ngược nhau do đó cơ chế thương lượng tiền lương giữa hai bên để tìm ra điểm mà cả hai có thể chấp nhận được.

Vấn đề tiền lương ở doanh nghiệp hiện nay về mặt hình thức theo pháp luật quy định là việc của doanh nghiệp và do doanh nghiệp quyết định trên cơ sở thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động hoặc đại diện của người lao động tùy từng việc cụ thể.

Rất tiếc cơ chế này hiện mới dừng trên quy định tại các văn bản còn thực tế rất ít nơi thực hiện được, nguyên nhân của vấn đề có nhiều và thuộc cả hai bên, nếu khắc phục được thương lượng có kết quả thi quan hệ lao động sẽ hài hòa và tranh chấp lao động, đình công sẽ giảm.

- Xin cảm ơn ông!/.

Tiền lương người lao động đạt trung bình 6,2 triệu đồng/ tháng. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục