Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông là cần thiết

Một trong những điều chỉnh được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại hội nghị đó là việc tăng mạnh các mức xử phạt với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông là cần thiết ảnh 1Đường Kim Ngưu đoạn giao với đường Trần Khát Chân, Lò Đúc thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Ngày 24/9, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 171/2013), với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhiều nhà khoa học.

Dự thảo Nghị định này đang được lấy ý kiến rộng rãi, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông Bộ Giao thông và Vận tải Hoàng Thế Tùng, quá trình triển khai nghị định 171, một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính còn bất cập.

Tình trạng xe chở hàng quá tải trọng diễn ra phổ biến, tái phạm và hết sức nghiêm trọng. Số vụ tai nạn giao thông do người lái có sử dụng rượu bia gây ra trên toàn quốc trung bình mỗi năm chiếm 16 - 20% và tăng đều hằng năm, nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại về người và tài sản.

Bên cạnh đó nhiều hành vi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao đang diễn ra phổ biến... Trước những bất cập nêu trên, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông-Vận tải chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 171.

Dự thảo Nghị định mới hướng tới ba mục tiêu chính: tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm giao thông có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng; mô tả lại một số quy định chưa rõ gây ra những cách hiểu khác nhau; bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi trong thực tế gây nguy hiểm tới an toàn giao thông nhưng trước đây chưa quy định rõ mức xử phạt.

 

 Một trong những điều chỉnh được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại hội nghị đó là việc tăng mạnh các mức xử phạt với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Băn khoăn về mức xử phạt tại Nghị định là khá cao, giáo sư Nguyễn Lân Dũng phân tích: Hiện nay tình trạng tai nạn giao thông làm thiệt hại tính mạng người dân diễn ra hàng ngày vì vậy thêm các giải pháp để hạn chế tai nạn giao thông là cần thiết. Tuy nhiên, tăng mức xử phạt nặng không có nghĩa là giảm được tai nạn giao thông.

Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét mức phạt này có khả thi không, nếu mức phạt quá cao sẽ không thực tế, khó thực hiện. Bên cạnh việc tăng các chế tài xử phạt cần phổ biến, tuyên truyền về an toàn giao thông nhiều hơn cho người dân để tăng tính hiệu quả.

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, tính toán mức phạt cụ thể phù hợp với từng hành vi vi phạm. Điển hình như các đối tượng đi xe đánh võng, lạng lách chỉ phạt 250.000 quá nhẹ, bởi nhiều trường hợp đánh võng, lạng lách đã gây tai nạn nguy hiểm cho người đi đường.

Đồng tình với ý kiến trên, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ-Pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Duy Thường nêu rõ: Các cơ quan chức năng khi xây dựng Nghị định cần nghiên cứu kỹ để có tính ổn định lâu dài về mặt pháp lý. Mức phạt phải mang tính răn đe, có tính ngăn chặn, để người bị phạt biết đó là hành vi cấm.

Nhiều đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung các quy định xử phạt đối với các cơ quan, đơn vị tham gia quản lý giao thông vi phạm các quy định về an toàn giao thông; có giải pháp để bảo đảm tiền phạt phải vào được ngân sách nhà nước, tránh tình trạng “tham nhũng” của các cá nhân có thẩm quyền.

Giải thích rõ thêm về các quy định mới của Nghị định, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định: Nghị định chỉ quy định xử phạt nặng đối với những hành vi mang tính uy hiếp trực tiếp đến an toàn giao thông.

Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia hiểu rõ yêu cầu của xã hội là bảo đảm phạt nghiêm, hạn chế tối đa tiêu cực, bảo đảm tiền xử phạt vào ngân sách nhà nước. Muốn làm được điều này cần tăng cường tính minh bạch bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin.

Ngoài ra, Nghị định sẽ phạt nặng những tổ chức, đơn vị thuộc ngành giao thông có hành vi vi phạm an toàn đường bộ, ví dụ làm đường tạo ra vũng nước, ổ gà gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Sau khi lấy ý kiến rộng rãi, cuối tuần này Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải sẽ nghe Ban soạn thảo báo cáo tổng hợp các ý kiến, chuẩn bị cho việc hoàn thiện Nghị định để trình Chính phủ xem xét trong tháng 10/2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục