Tăng phân cấp trong bảo vệ di sản văn hóa

Tăng cường phân cấp cho cơ sở trong quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa là một trong những điểm mới của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa, được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đọc tại Quốc hội ngày 22/5.

Tăng cường phân cấp cho cơ sở trong quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa là một trong những điểm mới của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hoá, được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đọc tại Quốc hội ngày 22/5.

Theo dự luật, việc thành lập bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị trực thuộc của Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội ở Trung ương sẽ do thủ trưởng Bộ, ngành quyết định thành lập trên cơ sở thỏa thuận với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thay vì thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án Luật cũng đề xuất giao Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được cấp giấy phép khai quật khẩn cấp các địa điểm khảo cổ thay vì thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm tăng cường tính chủ động cho địa phương và triển khai kịp thời các biện pháp cần thiết để bảo vệ các địa điểm khảo cổ.

Nhằm tăng cường tính khả thi trong việc tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với các cá nhân có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể, dự án Luật bổ sung đối tượng "nghệ sĩ có tài năng xuất sắc" và xác định rõ hơn tiêu chí các đối tượng nghệ nhân "có công bảo vệ, phổ biến, truyền dạy di sản văn hoá phi vật thể."

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau 7 năm thực hiện, Luật di sản văn hoá đã có tác động tích cực đến việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Đến nay, Tổ chức Văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận 5 di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 2 di sản văn phi vật thể của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đến tháng 2/2009, đã có trên 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và trên 5.300 di tích cấp tỉnh.

Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực di sản văn hoá được đẩy mạnh. Nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài như UNESCO, Quỹ Ford, Quỹ SIDA của Thụy Điển, Cơ quan di sản văn hoá Bỉ và Viện Smithsonian (Mỹ) đã đầu tư, tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá ở Việt Nam.

Nhiều bảo tàng của Việt Nam cũng đã tổ chức các cuộc trưng bày hiện vật tại các nước Mỹ, Áo, Bỉ, Pháp, Nhật Bản và Luxembourg. Thông qua các chương trình hợp tác quốc tế này, văn hóa Việt Nam nói chung và di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam nói riêng được thế giới biết đến và ngược lại, người dân Việt Nam cũng có cơ hội hiểu biết thêm về các nền văn hóa trên thế giới.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 19/6 tới./.

(Hồng Hạnh/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục