Tăng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Bangladesh

Chuyến thăm của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đến Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt.
Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Bangladesh, bà Sheikh Hasina sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 2-4/11 tới.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của bà Sheikh Hasina  trên cương vị Thủ tướng Bangladesh.

Nằm ở Nam Á, nhờ sự ổn định chính trị, kinh tế Bangladesh có nhiều nét khởi sắc với mức tăng trưởng GDP năm 2009 đạt khoảng 5,4%, lạm phát ở mức 6%. Năm 2010, tăng trưởng GDP của Bangladesh đạt khoảng 6%. Năm 2011 tăng trưởng đạt 6,7%. Trong cơ cấu kinh tế nước bạn, nông nghiệp chiếm 20,6% GDP, thu hút 63% lực lượng lao động. Các nông sản chính là lúa gạo, đay, chè, mía, khoai tây, thuốc lá, hạt có dầu... Công nghiệp chiếm 29,7% GDP và thu hút khoảng 12% lực lượng lao động.

Từ khi tiến hành tự do hóa và mở cửa kinh tế cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90, xuất khẩu của Bangladesh luôn đạt mức tăng trưởng cao, năm 2009 xuất khẩu đạt 16 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính là quần áo may sẵn, nông sản, đồ đông lạnh (đặc biệt là tôm).... Hiện Bangladesh có khoảng 2 triệu lao động đang làm việc ở nước ngoài, mỗi năm chuyển về nước hàng tỷ USD, năm 2010 đạt khoảng hơn 10 tỷ USD, năm 2011 đạt 14 tỷ USD.

Chính phủ Bangladesh thi hành chính sách đối ngoại hòa bình, không liên kết, hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước, coi trọng tăng cường quan hệ với Ấn Độ và các nước láng giềng Nam Á, thực hiện chính sách hướng Đông, phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á và các nước châu Á-Thái Bình Dương...

Việt Nam-Bangladesh có quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp. Ngày 11/2/1973, Việt Nam và Bangladesh chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai bên đã tiến hành trao đổi một số đoàn cấp cao. Việt Nam có các chuyến thăm Bangladesh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (vào tháng 3/1997); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (3/2004); Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên (7/2003).

Về phía nước bạn cũng có các chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Khaleda Zia (tháng 5/2005); Bộ trưởng ngoại giao A.S.A-dat (5/2009); Bộ trưởng ngoại giao Mốcsét Khan 7/2004... Hai nước hợp tác tốt với nhau trong các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc, Phong trào không liên kết, ASEAN...

Hợp tác trong các lĩnh vực giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của lãnh đạo hai bên. Việt Nam và Bangladesh đã ký Hiệp định thành lập Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa và khoa học kỹ thuật từ năm 1997. Dự kiến hai bên sẽ tổ chức Kỳ họp thứ hai trong năm nay.

Để thúc đẩy hợp tác, một số các bộ, ngành hai bên cũng đã tiến hành các hoạt động trao đổi đoàn để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm và ký kết các thỏa thuận hợp tác. Điểm tích cực trong quan hệ hợp tác giữa hai nước là trao đổi thương mại và hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng trưởng, đạt 280 triệu USD năm 2010, tăng gấp 241% so với năm 2009; đạt 482 triệu USD năm 2011, tăng 72% so với năm 2010.

Trong bảy tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai nước đạt 186 triệu USD, Việt Nam xuất khẩu 169,5 triệu USD và nhập khẩu 16 triệu USD. Việt Nam xuẩu sang Bangladesh chủ yếu gồm các mặt hành như gạo, vải, sản phẩm chất dẻo, sản phẩm mây, tre, cói và thảm, cao su, máy vi tính, sản phẩm điện tử, gỗ, gốm, sứ... Các sản phẩm nhập khẩu gồm tân dược, vải các loại, nguyên liệu dệt may da, sợ các loại, máy móc, thiệt bị dụng cụ và phụ tùng, linh kiện điện tử, phân urê...

Chuyến thăm của Thủ tướng Sheikh Hasina đến Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, thúc đẩy quan hệ hợp tác mọi mặt giữa hai nước trong thời gian tới, đồng thời trao đổi một số vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm./.

Bùi Thanh Hải (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục