Tăng trưởng các nền kinh tế đang nổi trượt xuống mức thấp

Tăng trưởng của các nền kinh tế đang nổi trượt xuống mức thấp

Nhà kinh tế trưởng thuộc Viện Tài chính quốc tế (IIF) Felix Huefner nói rằng các nền kinh tế đang nổi sẽ chỉ đạt nhịp độ tăng trưởng 3,4% trong quý đầu năm nay.
Tăng trưởng của các nền kinh tế đang nổi trượt xuống mức thấp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: armstrongeconomics.com)

Các số liệu do ba công ty nghiên cứu thị trường vừa công bố cho thấy nhịp độ tăng trưởng của các nền kinh tế thị trường đang nổi đã trượt xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2009, trong lúc nhiều nước đang phát triển phải "trầy trật" ứng phó với tác động của đồng USD mạnh lên và giá hàng hóa yếu đi.

Những con số khiến người ta lo ngại về sức khỏe nền kinh tế toàn cầu này được công bố trong bối cảnh giá dầu trên thế giới tiếp tục giảm, nguy cơ giảm phát ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và thị trường việc làm Mỹ ảm đạm.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo thế giới sắp phải đối mặt với một kịch bản tăng trưởng thấp đi kèm với nợ công cao và thất nghiệp, nếu như các nhà hoạch định chính sách không sớm có kế hoạch để đảo ngược thực trạng này.

Theo một ước tính riêng rẽ về tăng trưởng trung bình Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhà kinh tế trưởng thuộc Viện Tài chính quốc tế (IIF) Felix Huefner nói rằng các nền kinh tế đang nổi sẽ chỉ đạt nhịp độ tăng trưởng 3,4% trong quý đầu năm nay, so với mức tăng 3,8% của quý cuối năm 2014 và 4,6% của quý đầu năm 2014.

Sự sụt giảm giá của thị trường hàng hóa và dầu mỏ đã tác động tới nguồn thu xuất khẩu của một số nền kinh tế đang nổi như Brazil và Nga, trong khi đồng USD mạnh đã làm tăng tình trạng vốn chảy ra nước ngoài ở nhiều nền kinh tế đang nổi hàng đầu, bao gồm cả Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Hàn Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng tình trạng giảm tốc của các nền kinh tế đang nổi năm nay có đặc điểm khác so với ở thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính sáu năm trước.

Ông Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng về các thị trường đang nổi thuộc công ty nghiên cứu thị trường Capital Economics, đánh giá cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 là một cú sốc bên ngoài mà các nền kinh tế đang nổi có thể phục hồi khá nhanh chóng. Còn hiện nay, tình trạng giảm tốc xảy ra bởi những nhân tố bên trong. Ông cũng cho rằng sự giảm tốc này có khả năng kéo dài tới một thập kỷ.

Trong khi đó, theo nhận định của nhà kinh tế trưởng Chris Williamson thuộc hãng Markit Economics, tăng trưởng GDP của các nền kinh tế đang nổi trong quý đầu năm nay sẽ rơi xuống dưới 5%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục