Tăng trưởng GDP quý I giảm mạnh chỉ còn 3,1%

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc giao ban sản xuất tháng 3, tổ chức ngày 25/3, tại Hà Nội, kinh tế quý I suy giảm nhưng vẫn giữ được tăng trưởng dương.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc giao ban sản xuất tháng 3, tổ chức ngày 25/3, tại Hà Nội, kinh tế quý I suy giảm nhưng vẫn giữ được tăng trưởng dương.

So với tốc độ tăng trưởng GDP 7,4% của cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay đã giảm hơn một nửa, chỉ còn 3,1%.

Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu khác cũng trong tình trạng tương tự; thậm chí còn thấp hơn nhiều khi mà tốc độ tăng trưởng quí I/2008 so với cùng kỳ năm trước đó là 2,86% ở khu vực nông, lâm, thủy sản; 8,15% ở khu vực công nghiệp và xây dựng; 8,05% ở khu vực dịch vụ; 16,3% về giá trị sản xuất công nghiệp; 4,1% về giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản; 29,2% về tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ.

Theo nhận định chung của các đại biểu Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, các dự báo quốc tế gần đây cho thấy tình hình kinh tế thế giới năm 2009 vẫn tiếp tục khó khăn và khó lường. Dự báo gần đấy nhất, khả năng tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chỉ từ -0,5% đến -1%. So với dự báo trước đó vào ngày 28/1, tình hình đã thay đổi rất nhiều.

Cuộc họp nhận định tác động của kinh tế thế giới vào kinh tế Việt Nam chắc chắn còn mạnh hơn năm 2008. Các đại biểu thống nhất, cần đánh giá sát tăng trưởng thực tế, tính đến khó khăn như suy giảm kinh tế toàn, cầu thị trường bị thu hẹp, thiên tai, bệnh dịch... và thuận lợi như chính sách và giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, chính sách tài chính, tài khóa; để từ đó xác định mức đáy của suy giảm, đưa ra các dự báo về tình hình quý sau và cả năm cũng như bổ sung thêm các giải pháp thích ứng. Không ít ý kiến cho cho rằng kinh tế quý II sẽ khá hơn quý I tuy không nhiều.

Theo Đại diện Bộ Công Thương, do tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, khả năng xuất khẩu năm nay đạt khoảng 58 đến 68 tỷ USD, giảm 7% so với năm 2008. Việc giảm tốc độ nhập khẩu trong quý I đến mức trở thành xuất siêu tới 1,7 tỷ USD không được đón nhận vui mừng cho lắm và người ta lại cho rằng cần phải nhận diện trên nhiều khía cạnh tích cực và tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế giai đoạn hậu khủng hoảng. Bộ này dự báo khả năng xuất khẩu quý II vẫn giữ được như quý I và tăng lên một ít trong quý 3, quý 4 với sự ấm lên của nền kinh tế thế giới.

Các hoạt động đầu tư được coi là một điểm tựa khá vững vàng. Điều rất mừng là trong khó khăn như vậy mà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong quý I vẫn đạt đến con số 6 tỷ USD; trong đó, vốn đầu tư cấp mới cho các dự án tăng thêm vốn đạt trên 3,8 tỷ USD. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nói "Chứng tỏ doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở Việt Nam (VN) nhìn thấy triển vọng lâu dài tại đây".

Với mức tăng vốn đầu tư tăng thêm tới hơn 34% so với cùng kỳ thì đây cũng là điểm sáng trong quý I. Điểm tựa nữa đó là việc triển khai kế hoạch đầu tư từ các nguồn vốn đều nhanh hơn; kể cả từ vốn ngân sách tập trung đến nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Về chỉ số giá, trong 3 tháng chỉ số chỉ tăng 1,32% so với tháng 12/2008, đây cũng là một thành công trong bối cảnh thực hiện cấp tập các chính sách của Chính phủ từng làm cho nhiều người quan ngại sẽ làm cho lạm phát bùng phát trở lại. Tuy nhiên, cuộc họp cũng lưu ý đến chỉ số giá bình quân vẫn còn cao (4,4%) và hy vọng đến cuối năm sẽ giảm xuống.

Thứ trưởng Cao Viết Sinh khẳng định sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tới đây tất cả các kiến nghị giải pháp bổ sung vừa đưa ra trong cuộc họp này như: chưa nên tăng giá một số nguyên liệu đầu vào đối với hàng xuất khẩu, chưa tăng thuế với một số hàng xuất khẩu, giảm thuế nhập khẩu với số mặt hàng nhập khẩu, hay tăng thuế vừa phải để kích cầu đầu tư; mở rộng đối tượng kích cầu, mở rộng đối tượng cho vay đầu tư, hạ lãi suất cho vay xuất khẩu qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Bộ cũng sẽ kiến nghị Chính phủ giải pháp tháng 9 tới, nơi nào không sử dụng hết nguồn vốn trái phiếu Chính phủ sẽ chuyển sang bộ khác, ngành khác, địa phương khác nhằm thúc đẩy giải ngân hết nguồn vốn trái phiếu Chính Phủ lên tới 56.000 tỷ đồng trong năm 2009./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục