Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều sức ép

Chuyên gia Tommy Wu cho biết Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng cân bằng để "giảm thiểu sự gián đoạn phát sinh từ các biện pháp kiểm soát làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 mới nhất."
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều sức ép ảnh 1Công nhân làm việc tại một máy lắp ráp ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Thời báo Hoàn Cầu ngày 18/4, trong quý đầu tiên của năm 2022, GDP của Trung Quốc tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, duy trì mức tăng trưởng ổn định bất chấp "áp lực suy thoái chưa từng có kể từ quý đầu tiên của năm 2020" do những đợt bùng phát dịch COVID-19, những đứt gãy chuỗi cung ứng và những bất ổn bên ngoài phát sinh từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Mặc dù vậy, theo AFP, Chính phủ Trung Quốc vẫn cảnh báo về những “thách thức đáng kể” ở phía trước trong bối cảnh biện pháp phong tỏa hàng loạt vì đại dịch bắt đầu có những ảnh hưởng tiêu cực.

Tăng trưởng ngoạn mục

Theo bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu, sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong ba tháng đầu tiên đã tăng tốc từ mức 4% được ghi nhận trong quý 4/2021, được thúc đẩy bởi cơ sở hạ tầng ở tầng bình lưu và đầu tư bất động sản - một điểm sáng đã “làm đệm giảm xóc” cho sự giảm sút nhu cầu tiêu dùng và sản lượng sản xuất trong quý đầu tiên, và dự kiến sẽ là trụ đỡ cho đà tăng trưởng cả năm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các nhà quan sát đánh giá rằng tình hình ở Thượng Hải, trung tâm tài chính chính của Trung Quốc, và tác động trực tiếp của nó đối với cơ sở sản xuất sôi động nhất đất nước ở Vùng châu thổ sông Dương Tử có khả năng làm giảm 0,5 điểm phần trăm GDP trong quý đầu tiên của Trung Quốc, và tác động đó đối với tăng trưởng có thể tiếp tục xấu đi vào tháng 4 và tháng 5, với khả năng phục hồi trở lại vào tháng 6 và nửa sau của năm 2022 sau khi dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả.

Mặc dù truyền thông phương Tây đã và đang thổi phồng dữ liệu này nhằm giáng một đòn khác vào chính sách "Không COVID" của Trung Quốc nhưng các nhà kinh tế đã nhấn mạnh "sự tạm dừng" ngắn hạn ở các đô thị như Thượng Hải sẽ không biến thành một cú sốc "một lần cho tất cả" và động cơ kinh tế của Trung Quốc là "đi trên một chuyến hành trình đúng đắn."

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) Trung Quốc công bố ngày 18/4, trong quý đầu tiên, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán lẻ tăng 3,3% trên cơ sở hằng năm trong giai đoạn này. Tuy nhiên, chỉ riêng trong tháng 3, con số này đã giảm 3,5% so với cách đây một năm, lần sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 7/2020, đảo ngược so với mức tăng 6,7% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2. Tăng trưởng trong đầu tư tài sản cố định là 9,3% trong ba tháng đầu năm, trong đó đầu tư vào cơ sở hạ tầng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điền Vân, cựu Phó giám đốc Hiệp hội Hoạt động Kinh tế Bắc Kinh, nói với Thời báo Hoàn Cầu: "Các số liệu của quý đầu tiên năm 2022 đã được cải thiện so với ba tháng cuối năm 2021 trên một số chỉ số nhất định. Đầu tư vào tài sản cố định tăng đáng kể theo quý nhờ những điều chỉnh trong chính sách bất động sản và sự cải thiện trong đầu tư sản xuất."

Áp lực gia tăng

Nền kinh tế Trung Quốc đã có một bước khởi đầu tuyệt vời trong hai tháng đầu năm. Tuy nhiên, bước sang tháng thứ ba, trung tâm công nghệ của Trung Quốc, thành phố Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, đã phải áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt trong một tuần, và Thượng Hải - trung tâm tài chính, thương mại và sản xuất - cũng bước vào "quản lý tĩnh" vào cuối tháng 3 khi số ca mắc COVID-19 tăng đột biến.

Người phát ngôn NBS Fu Linghui được AFP dẫn phát biểu ngày 18/4 cho biết: “Trong bối cảnh môi trường trong nước và quốc tế đang trở nên ngày càng phức tạp và bất ổn, sự phát triển kinh tế phải đối mặt với những khó khăn và thách thức vô cùng nghiêm trọng."

Tào Hòa Bình, chuyên gia kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng "việc tạm dừng các hoạt động ở hai thành phố lớn của Trung Quốc chắc chắn đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của tháng Ba... việc đóng cửa nhà máy tạm thời và trở ngại hậu cần đã làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng, trong khi kỳ vọng về thu nhập suy yếu và những quy định ở yên trong nhà đã cản trở đà tiêu dùng."

[Ý đồ của Trung Quốc khi xây dựng thị trường nội địa thống nhất]

Chuyên gia này nói thêm rằng cuộc khủng hoảng Ukraine càng làm tăng thêm thách thức chuỗi cung ứng và chi phí của các nhà máy.

AFP dẫn nhận định của Tommy Wu, chuyên gia kinh tế hàng đầu về Trung Quốc tại hãng phân tích và dự báo tăng trưởng toàn cầu Oxford Economics, cho rằng “các số liệu hoạt động của tháng 3 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, đặc biệt trong lĩnh vực chi tiêu theo hộ gia đình."

Tommy Wu cho biết Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng cân bằng để "giảm thiểu sự gián đoạn phát sinh từ các biện pháp kiểm soát làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 mới nhất" nhưng ông cũng cảnh báo rằng tình trạng đình trệ các hoạt động kinh tế này có thể kéo dài sang tháng 5 hoặc lâu hơn nữa.

Theo chuyên gia Điền Vân, áp lực suy thoái mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt trong tháng 3 là "chưa từng có" và là "lớn nhất" kể từ quý đầu tiên của năm 2020, khi đợt bùng phát dịch COVID-19 lần đầu tiên tấn công thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc.

Chuyên gia Điền Vân chỉ ra rằng đợt bùng phát dịch COVID-19 ở Thượng Hải có thể đã xóa bỏ khoảng 0,5 điểm phần trăm GDP trong quý đầu tiên của Trung Quốc và tác động của nó đối với nền kinh tế có thể tăng lên vào tháng 4 và tháng 5.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng nếu dịch bệnh được kiềm chế vào cuối tháng 5, các hoạt động kinh tế sẽ được khôi phục và các động cơ kinh tế của đất nước sẽ bắt đầu hoạt động mạnh trở lại, và tiêu dùng cũng sẽ tăng trở lại.

Mặc dù vậy, Iris Pang, nhà kinh tế trưởng phụ trách chương trình Trung Quốc Vĩ đại hơn tại Tập đoàn Dịch vụ Tài chính ING, được AFP dẫn lời cũng nhấn mạnh rằng “các biện pháp phong tỏa vì đại dịch sẽ còn gây ra thêm nhiều tác động nữa trong thời gian tới”, trong khi chuyên gia Julian Evans-Pritchard của Capital Economics cũng cảnh báo rằng “điều tồi tệ nhất vẫn có thể sẽ xảy ra."

“Sự hy sinh cần thiết”

Thời báo Hoàn Cầu dẫn nhận định của các nhà kinh tế nhấn mạnh rằng chi phí ngắn hạn đối với nền kinh tế là "sự hy sinh cần thiết" để bảo vệ sự an toàn cho cuộc sống của người dân, và nó sẽ không làm chệch hướng đất nước Trung Quốc khỏi các nền tảng kinh tế cơ bản và nhịp độ phát triển quốc gia.

Chuyên gia Tào Hòa Bình vạch trần những gì một số tổ chức và cơ quan truyền thông nước ngoài tuyên bố, như việc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc hoặc rút vốn nước ngoài, và nhấn mạnh: "Có những làn sóng xung kích ngắn hạn rõ ràng trong cả chuỗi công nghiệp trong và ngoài nước, nhưng cuối cùng chúng sẽ giảm bớt. Về lý thuyết kinh tế, nếu những tác động được kiểm soát trong vòng 90 ngày, nó sẽ không trở thành tác động lâu dài."

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ để củng cố và chống đỡ cho nền kinh tế. Hôm 15/4, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã công bố mức giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) được kỳ vọng rộng rãi là 25 điểm cơ bản, khi các nhà hoạch định chính sách áp dụng chính sách tiền tệ để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo Thời báo Hoàn Cầu, ngày 19/4, một hội nghị quốc tế về những nỗ lực nhằm giữ ổn định các chuỗi cung ứng và công nghiệp đã được tổ chức. Hội nghị đã nhấn mạnh những nỗ lực nhằm đảm bảo nhu cầu sinh kế của người dân, vận tải hàng hóa và các chu trình kinh doanh.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia đã ban hành một văn bản về những dịch vụ tài chính trong công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội. Văn kiện này đưa ra 23 biện pháp nhằm hỗ trợ các thực thể đang gặp nhiều khó khăn, làm thông thoáng lưu thông kinh tế, đồng thời thúc đẩy ngoại thương và xuất khẩu.

"Trong khi thực hiện các biện pháp kiên quyết và quyết liệt để ngăn chặn đại dịch tái bùng phát ở một số khu vực, chúng ta cần hạn chế tối đa tác động của đại dịch đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Đây đều là những điều then chốt đối với nền kinh tế Trung Quốc," tờ báo kêu gọi.

Thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh rằng một số phương tiện truyền thông và tổ chức ở hải ngoại đã và đang hoài nghi rằng cuộc chiến chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc là không bền vững và phải trả một cái giá cao, nhưng họ không nhận ra rằng Trung Quốc đã không chọn cách hy sinh tương lai của mình chỉ để đổi lấy hạnh phúc trong chốc lát khi đối mặt với một đại dịch chưa từng có tiền lệ: "Chính sách Không COVID-19 là nhằm tạo ra các điều kiện cho sự phát triển kinh tế xã hội lành mạnh trong dài hạn với chi phí ngắn hạn. Cuộc chiến chống dịch của Trung Quốc đã chứng minh rằng các biện pháp nghiêm ngặt ngắn hạn là nhằm mang lại sự mở cửa tốt hơn. Nếu như người ta có góc nhìn xa hơn để xem xét tình hình, họ có thể dễ dàng thấy rằng Trung Quốc là nền kinh tế ổn định nhất trong số các nền kinh tế lớn."

Chuyên gia Tào Hòa Bình cho biết: "Trung Quốc có đủ đạn dược, cần phải mở rộng quy mô các công cụ tài chính và tiền tệ trong quý II, nếu không, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là 5,5% sẽ là một nhiệm vụ khó khăn”. Ông gợi ý rằng các công cụ tài chính và tiền tệ cần được đồng bộ với các biện pháp chống dịch COVID-19. Ông cũng kêu gọi cắt giảm RRR hơn nữa để "thúc đẩy các chính sách phù hợp nhằm ổn định tăng trưởng."

Ổn định, bất chấp biến động?

Theo “Thời báo Hoàn Cầu”, nhìn chung, hiệu suất kinh tế Trung Quốc trong quý I đạt được sự ổn định. Được thúc đẩy bởi một loạt chính sách ổn định tăng trưởng, các yếu tố chính hỗ trợ tăng trưởng kinh tế như đầu tư, tiêu dùng, giá trị gia tăng công nghiệp và xuất nhập khẩu, tất cả đều khởi sắc trong hai tháng đầu năm, vượt xa những kỳ vọng.

Nhìn từ góc độ cả quý, hiệu suất tổng thể của “cỗ xe tam mã” là điều ấn tượng: Về xuất nhập khẩu, mặc dù thương mại toàn cầu suy giảm, nhưng Trung Quốc vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 10,7%; khi nói đến đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng tăng 8,5% trong quý đầu tiên, trong khi con số này là 0,4% vào năm ngoái; mặc dù tiêu dùng đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh kể từ tháng 3 và tổng mức bán lẻ hàng hóa đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng nó cũng đạt mức tăng trưởng 3,3%, gần gấp đôi so với mức 1,7% vào cuối năm ngoái.

Bài viết kết luận rằng “ổn định” chính là từ khóa nổi bật nhất của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2022: “Dưới ảnh hưởng của vô số yếu tố bất định, chúng ta cần phải đối mặt với những khó khăn, nhưng cũng phải có niềm tin và tập trung làm tốt những công việc của mình. Áp lực và những thách thức sẽ làm nản lòng những người bi quan, nhưng sẽ truyền cảm hứng cho những người dũng cảm tiến lên.

Tuy nhiên, mặc dù ngân hàng trung ương Trung Quốc đã thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ, hạ thấp lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải nắm giữ để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, các chuyên gia nói rằng các quan chức đang thực hiện một cách tiếp cận hạn chế để kích thích tăng trưởng.

Các nhà kinh tế kỳ vọng các quan chức cuối cùng sẽ công bố một con số tăng trưởng phù hợp với các mục tiêu chính thức, một phần do nghi ngờ rằng các con số có thể đã bị điều chỉnh vì lý do chính trị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục