Tăng trưởng quý 1 cao nhưng lạm phát trong tầm kiểm soát

Chỉ số giá tiêu dùng tháng Ba giảm 0,27% so với tháng trước, Người phát ngôn Chính phủ cho rằng, tăng trưởng đạt mức cao song lạm phát trong tầm kiểm soát.
Tăng trưởng quý 1 cao nhưng lạm phát trong tầm kiểm soát ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2018 tăng tới 7,38% so với cùng kỳ năm 2017, theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm gần đây.

Tăng trưởng nhờ 4 động lực chính

Làm rõ hơn bức tranh kinh tế quý 1, tại phiên họp báo Chính phủ diễn ra tối 2/4, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã chỉ ra 4 động lực chính tạo ra lực đẩy cho nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm.

Vấn đề đầu tiên, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chính là ngành công nghiệp và xây dựng đã có mức tăng rất cao, cụ thể mức tăng lên đến 9,70% trong quý 1, tiếp đến là ngành chế biến, chế tạo với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,9% cao hơn rất nhiều so với 3 năm gần đây.

Ngoài ra, ngành nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,05% (cùng kỳ năm 2017 tăng 2,08%, năm 2016 giảm 1,31%) và ngành dịch vụ tăng 6,70% (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,36%, năm 2016 tăng 5,98%).

Bên cạnh đó, Người phát ngôn Chính phủ cũng cho rằng, tăng trưởng đạt mức cao song lạm phát trong tầm kiểm soát. Dẫn chứng cho việc này, theo Bộ trưởng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2018 giảm 0,27% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 0,21%).

Như vậy, CPI bình quân quý 1/2018 chỉ tăng 2,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2017 và tăng 0,97% so với tháng 12/2017, tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước.

Ấn tượng rõ nhất trong bức tranh kinh tế quý 1 chính là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng 9,9% (cùng kỳ tăng 6,4%). Bộ trưởng nhấn mạnh thêm, điều này cho thấy tổng cầu, sức mua của người dân tiếp tục được cải thiện đáng kể.

"Nikkei vừa công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3/2018 của Việt Nam đạt 51,6 điểm, mặc dù giảm so với tháng 2, nhưng là một trong 2 nước của Đông Nam Á (Myanmar đạt 53,7 điểm) có điểm số cao nhất, trên 50 điểm," Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Phân tích thêm vấn đề này, ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, động lực giúp tăng trưởng quý 1/2018 tăng cao là nhờ đà tăng mạnh từ quý 3 và quý 4/2017.

Ngoài ra, một số yếu tố tăng đột biến, có đóng góp tích cực vào mức tăng chung ở các quý sau như Samsung, Formosa và khi các nhân tố trên hoạt động sẽ có đóng góp tốt cho tăng trưởng.

Tăng trưởng quý 1 cao nhưng lạm phát trong tầm kiểm soát ảnh 2Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Phấn đấu tăng trưởng 6,7%

Mặc dù bối cảnh quốc tế và trong nước nhiều thuận lợi nhưng lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra những nguy cơ có thể tác động đến tăng trưởng trong những tháng tiếp theo.

Theo nhìn nhận của vị lãnh đạo này, chu kỳ biến động tăng trưởng kinh tế quốc tế sau 10 năm cũng có thể có suy thoái. Hơn nữa, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) tăng lãi suất điều hành sẽ gây áp lực lớn lên điều hành tỷ giá, lãi suất trong nước.

"Với rủi ro tiềm ẩn, Chính phủ đã thông qua kịch bản theo hướng duy trì tăng trưởng ổn định kinh tế vĩ mô, thận trọng trong điều hành, sao cho duy trì tăng trưởng bảo đảm bền vững, không chỉ trong năm nay mà cả các năm tiếp theo," ông Lê Quang Mạnh cho hay.

Tại phiên họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đưa ra nhiều đánh giá có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, theo Bộ trưởng, dù có gần 27.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 1,2% về số doanh nghiệp và tăng 2,7% về số vốn đăng ký, nhưng mức tăng thấp hơn cùng kỳ. Chưa kể có trên 12.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,9%, số doanh nghiệp giải thể trên 3.300 (trên 91% là doanh nghiệp nhỏ), tăng 1,6% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước tăng thấp hơn cùng kỳ, chỉ tăng 4,4% (trong khi cùng kỳ năm 2017 tăng 5,3%, năm 2016 tăng 5,9%) và thấp hơn các khu vực khác (khu vực ngoài nhà nước tăng 16,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,1%). Đáng lưu ý, giải ngân từ vốn ngân sách Trung ương quản lý vẫn tăng thấp (khoảng 4,2%), trong khi đó vốn ngân sách địa phương tăng 10,5%.

Dù vậy, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ thống nhất mục tiêu phấn đấu đạt tối thiểu là 6,7% và cố gắng đạt cao hơn để tạo đà cho năm 2019 và các năm tiếp theo.

Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, đồng thời tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ và quyết liệt hành động, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.

"Chính phủ sẽ tiếp tục coi công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Đẩy mạnh rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải sửa ngay nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh," Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin thêm./.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói về tăng trưởng quý 1
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục