Tăng trưởng xanh: Liệu doanh nghiệp có vượt qua mục tiêu lợi nhuận?

Theo Thạc sỹ Vũ Xuân Trường, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang bị mâu thuẫn giữa hai mục tiêu là tăng trưởng lợi nhuận và tăng trưởng bền vững, trong đó có tăng trưởng xanh.
Tăng trưởng xanh: Liệu doanh nghiệp có vượt qua mục tiêu lợi nhuận? ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cùng với tốc độ phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới thì khái niệm phát triển xanh gắn với thương hiệu và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đang là một chủ đề nóng được khuyến khích nhằm thúc đẩy sự phạt triển bền vững.

Theo Thạc sỹ Vũ Xuân Trường, chuyên viên cao cấp Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (Bộ Khoa học và Công nghệ), chất lượng xanh giờ đây thực sự là "vũ khí chiến lược" vì rất nhiều công ty đa quốc gia trên thế giới áp dụng.

Bên lề Hội thảo "Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh", do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 19/4, tại Hà Nội, Thạc sỹ Vũ Xuân Trường đã có một số phân tích nhằm làm rõ hơn vấn đề ​này.

- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

Thạc sỹ Vũ Xuân Trường: Cùng với chương trình thương hiệu quốc gia thì việc phát triển thương hiệu thời gian qua đã đạt được những bước khả quan. Điều đầu tiên có thể thấy rất rõ ràng là nhận thức của nhiều chủ doanh nghiệp đã tăng lên rất nhanh và có sự thay đổi rất rõ ràng.

Thực tế, các chủ doanh nghiệp của Việt Nam khi được hỏi đều cho rằng, việc phát triển thương hiệu với họ là rất quan trọng và đây là điều rất tốt về mặt nhận thức.

Bên cạnh đó, việc triển khai đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp và sự gia tăng về nhận thức đối với công chúng giúp cho doanh nghiệp tự tin hơn trong quá trình định hướng về tầm nhìn xây dựng và phát triển thương hiệu và khi tự tin thì họ sẽ mạnh dạn đưa ra những quyết định đầu tư bằng tiền, đầu tư bằng công nghệ và áp dụng các ý tưởng đột phá.

- Lâu nay nhiều doanh nghiệp vẫn gặp hạn chế trong chiến lược phát triển thương hiệu, vậy để đột phá theo ông cần tập trung vào những khía cạnh nào?

Thạc sỹ Vũ Xuân Trường: Trong một chuỗi các biện pháp từ vĩ mô đến vi mô, theo tôi nhà nước cũng đã quyết liệt trong việc triển khai chương trình Thương hiệu quốc gia và chương trình này đã thực hiện hơn 10 năm nay rất có hiệu quả.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp khi tham gia chương trình này cũng cần tích cực hơn nữa để có thêm các mối quan hệ, cũng như có thể cập nhật thông tin chính sách của nhà nước cũng như có thêm nhiều đối tác để từ đó sẽ có những sản phẩm, dịch vụ mang tính bền vững, giúp cho doanh nghiệp có thể phát triển thương hiệu một cách dài hơi.


- Với doanh nghiệp khởi nghiệp, để xây dựng thành công thương hiệu của mình, theo ông yếu tố nào là quan trọng nhất?

Thạc sỹ Vũ Xuân Trường: Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp muốn khởi nghiệp được tốt thì cần có quỹ đầu tư mạo hiểm, có thể nói đây là yếu tố cực kỳ mấu chốt. Ở Việt Nam đã manh nha hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm này, nhưng thống kê sơ bộ thời gian qua thì những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công phần lớn lại được sự đầu tư từ các quỹ mạo hiểm của nước ngoài.

Nếu chúng ta xây dựng được mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm của người Việt chắc chắn sẽ rất tốt, vì chỉ có người Việt mới hiểu doanh nghiệp nội cần gì, còn các quỹ đầu tư nước ngoài thì bên cạnh mục tiêu giúp đỡ, họ còn có mục tiêu khác mà doanh nghiệp khởi nghiệp chưa đủ điều kiện và thông tin để nắm bắt.

- Khởi nghiệp để xây dựng thương hiệu đã khó vậy để xây dựng thương hiệu xanh thì ra sao trong bối cảnh hội nhập hiện nay, thưa ông?

Thạc sỹ Vũ Xuân Trường: Câu chuyện phát triển thương hiệu xanh đã phát triển khá lâu trên thế giới và có nhiều tập đoàn cũng như các công ty đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới đã thực hiện định hướng. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì việc phát triển thương hiệu xanh còn khá mới mẻ và cũng chỉ có một số doanh nghiệp có tầm nhìn dài hơi để định hướng phát triển trong chiến lược thương hiệu của mình.

Trong quá trình nghiên cứu và triển khai thực hiện của Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh chúng tôi thấy rẳng khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang bị mâu thuẫn giữa hai mục tiêu là tăng trưởng lợi nhuận và tăng trưởng bền vững, trong đó có mục tiêu tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn liên quan đến nhận thức của chủ các doanh nghiệp và những khó khăn của hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ là vốn, công nghệ, nguồn lực...


Tăng trưởng xanh: Liệu doanh nghiệp có vượt qua mục tiêu lợi nhuận? ảnh 2Thạc sỹ Vũ Xuân Trường, chuyên gia cao cấp Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Thực tế các doanh nghiệp đang rất khó khăn, liệu việc khuyến khích phát triển thương hiệu xanh sẽ cần thêm những yếu tố gì?

Thạc sỹ Vũ Xuân Trường: Theo tôi, mục tiêu phát triển bền vững là mục tiêu rõ ràng của Liên hiệp quốc từ năm 1987 cho toàn thế giới, trong đó Việt Nam cũng đã tham gia và ký kết nhiều hiệp ước ở tầm khu vực và quốc tế.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, chắc chắn mục tiêu tăng trưởng xanh là mục tiêu khách quan và không dừng lại được, đây là mục tiêu giúp cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm và dịch vụ bền vững và khả năng có lợi nhuận lâu dài, đây cũng là mục tiêu nên hướng tới.

Trong rất nhiều nghiên cứu quốc tế và của Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh thì chúng tôi đã có nhận định bước đầu khá rõ ràng là những doanh nghiệp tham gia vào việc thực hiện phát triển xanh và bền vững thì bước đầu đã có những kết quả khá khả quan.

Đơn cử như, việc làm này sẽ mang lại sự hài lòng cho người tiêu dùng nhiều hơn, hay mang lại sự tin tưởng cho công chúng nhiều hơn và từ đó uy tín doanh nghiệp nâng lên, từ đó giúp cho xu hướng mua, tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ xanh càng ngày càng đi lên và từ quá trình đó doanh nghiệp sẽ có được doanh số, lợi nhuận trong tương lai, tuy vậy trong việc này cần có định hướng dài hơi và bền vững.

- Xin cảm ơn ông./.

Chuyên gia nói về chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh của doanh nghiệp
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục