Khó đạt được chỉ tiêu

Tăng trưởng xuất khẩu Singapore khó đạt chỉ tiêu

Chuyên gia kinh tế Singapore cho rằng khó có thể đạt được chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nội địa phi dầu mỏ năm 2013.
Các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Singapore cho rằng Đảo quốc Sư tử này khó có thể đạt được chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nội địa phi dầu mỏ (NODX) là 1% trong năm 2013, khi NODX của tháng Tám giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu do Cơ quan Xúc tiến kinh doanh và Đầu tư nước ngoài của Singapore (IE) công bố ngày 17/9, so với tháng Bảy, NODX trong tháng Tám giảm trên 6% và đây là tháng thứ Bảy liên tiếp NODX giảm, khiến kim ngạch xuất khẩu của Singapore giảm 7,7% trong một năm qua.

Do NODX giảm liên tục trong nhiều tháng, các chuyên gia kinh tế cũng đã giảm dự báo tăng trưởng NODX trong cả năm xuống còn từ -1% đến -3% và họ cũng dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 3 sẽ giảm so với quý trước. GDP của Singapore trong quý 2 đạt mức tăng trưởng ấn tượng 15,5% so với quý đầu năm.

Xuất khẩu sang 8 trong số 10 thị trường hàng đầu của Singapore giảm. Xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), thị trường nhập khẩu hàng lớn nhất của Singapore, giảm 20,8%, sau khi trước đó đã giảm 38,5% trong tháng Bảy và 33,6% trong tháng Sáu. Xuất khẩu sang Mỹ giảm 6,7%, nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục tăng và tăng 15,3% trong tháng Tám.

Xuất khẩu hàng điện tử của Singapore trong tháng Tám giảm 11,1% so với tháng trước và là tháng giảm thứ 13 liên tiếp. Xuất khẩu hàng phi điện tử giảm 4,7% do xuất khẩu các bộ phận của tàu và thuyền giảm 95,8% và xuất khẩu dược phẩm giảm 31,1%.

Hoạt động tái xuất khẩu các mặt hàng phi dầu mỏ tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 14,4% trong tháng Tám, 8,1% trong tháng Bảy và 2,5% trong tháng Sáu.

Nhà kinh tế Irvin Seah thuộc ngân hàng hàng đầu của Singapore DBS nhận xét rằng các con số về xuất khẩu trong tháng Tám đã khẳng định dự báo của nhiều nhà kinh tế là đúng, khi cho rằng triển vọng toàn cầu vẫn khó đoán và con đường phát triển sẽ không “màu hồng”.

Ông Irvin nói: “Sự hồi phục về kinh tế ở Mỹ có thể chậm do có những rủi ro từ việc rút giảm quy mô gói nới lỏng định lượng. Đà tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng euro vẫn thấp do những vấn đề về cơ cấu. Trong khi đó, Trung Quốc đang hướng tới tốc độ tăng trưởng chậm hơn.”/.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục