Tạo cơ hội bình đẳng cho những người khuyết tật

Luật Người khuyết tật tạo môi trường pháp lý đồng thời từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho người khuyết tật.
Sáng 24/11, tại buổi làm việc tại tổ góp ý kiến vào dự thảo Luật Người khuyết tật, đa số đại biểu quốc hội đồng tình với việc ban hành luật để từng bước luật pháp hóa các quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội và các chính sách liên quan đến người khuyết tật.

Đồng thời, các đại biểu cho rằng việc ban hành luật sẽ tạo môi trường pháp lý, điều kiện và cơ hội bình đẳng, từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho người khuyết tật.

Các đại biểu cho rằng việc ban hành luật một lần nữa khẳng định mọi thành viên, bao gồm cả người khuyết tật đều được Nhà nước bảo đảm quyền công dân như nhau và đều được hưởng các thành quả chung của sự phát triển xã hội.

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Lê Thị Mai (Hải Phòng) cho rằng Dự thảo Luật đã thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, bản chất tốt đẹp của Nhà nước, của dân tộc Việt Nam.

Dự thảo Luật đã có cái nhìn bao quát, toàn diện đến người khuyết tật, quan tâm đến người khuyết tật ở góc độ quyền con người. Các đại biểu đề nghị việc xây dựng Luật phải bảo đảm xóa bỏ được mặc cảm của xã hội và đảm bảo quyền lợi của người khuyết tật…

Các đại biểu Nguyễn Tấn Trịnh, Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam), Lê Văn Cuông và nhiều đại biểu cho rằng, nên lấy tên gọi là Luật Người khuyết tật vì khái niệm “người khuyết tật” mang tính nhân văn sâu sắc, phù hợp quan điểm xã hội đối với người khuyết tật của Dự thảo Luật, phù hợp với khái niệm của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật mà Việt Nam đã ký kết.

Cho ý kiến vào nội dung phân hạng và phân dạng khuyết tật, đại biểu Lê Văn Cuông và một số đại biểu cho rằng, công tác phân hạng đánh giá rất quan trọng, qua đó giúp cơ quan chức năng nắm tình hình người khuyết tật để có chính sách hỗ trợ kịp thời, sát thực tế.

Tuy nhiên, đại biểu Cuông cũng đề nghị cần làm chặt chẽ công tác này để tránh tình trạng lợi dụng chính sách trục lợi cá nhân gây bất bình trong nhân dân.

Cũng theo một số đại biểu, nếu mục đích của việc phân dạng, phân hạng khuyết tật là nhằm hướng đến việc ban hành chính sách riêng cho từng dạng, từng hạng tật thì Dự thảo Luật mới dừng lại ở việc nêu tên dạng khuyết tật và giao Chính phủ quy định cụ thể hạng khuyết tật.

Trên thực tế, pháp lệnh về người tàn tật đã được thực hiện hơn 10 năm nhưng cho đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành được việc phân hạng theo quy định của pháp lệnh.

Cho ý kiến vào nội dung “Doanh nghiệp sử dụng từ 2% đến dưới 51% lao động là người khuyết tật làm việc được hưởng các ưu đãi về thuế, vốn vay với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh và được hỗ trợ phí kèm nghề, dạy nghề tại chỗ đối với số lao động là người khuyết tật”, các đại biểu cho rằng không nên quy định bắt buộc vào trong luật. Việc nhận lao động là người khuyết tật còn phụ thuộc vào điều kiện của doanh nghiệp.

Một số đại biểu đề nghị mở rộng các hình thức hỗ trợ người khuyết tật, mang tính chất tự nguyện, tự giác chứ không nên làm khó cho doanh nghiệp. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp giải quyết khó khăn khi nhận lao động là người khuyết tật.

Đại biểu Lê Hồng Sơn (Thanh Hóa) đề nghị Dự thảo Luật cần quy định cơ quan Nhà nước, tổ chức hành chính, sự nghiệp sắp xếp nhận người khuyết tật vào làm việc, không nên chỉ điều chỉnh các doanh nghiệp trong khi đó cơ quan hành chính, sự nghiệp là các đơn vị có điều kiện nhận người khuyết tật nhiều nhất…

Các đại biểu cũng đề nghị cần đặc biệt quan tâm đến nhà ở, công trình công cộng và phương tiện giao thông công cộng bởi thực tế hiện nay số lượng các công trình công cộng bảo đảm điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật còn rất ít, nhất là việc tiếp cận các công trình giao thông, cơ quan hành chính nhà nước, bệnh viện, trường học...

Luật cần quy định việc đi lại trong thành phố hay các công trình công cộng, các phương tiện giao thông công cộng phải thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận, các công trình công cộng sử dụng ngân sách nhà nước khi sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới phải tuân thủ quy chuẩn tiếp cận cho người khuyết tật và cho cả người già, người có con nhỏ hay người bệnh.

Đối với các công trình khác, Nhà nước khuyến khích thực hiện các quy chuẩn phù hợp để người khuyết tật có thể tiếp cận được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục