Tạo cơ sở sửa đổi Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo

Chiều 29/5, Phó Chủ tịch Quốc hội đã làm việc, đánh giá các mặt công tác liên quan đến việc sửa đổi Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.
Chiều 29/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã làm việc với Ban Tôn giáo Chính phủ, đánh giá các mặt công tác liên quan đến việc sửa đổi Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

Đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Phạm Dũng cho thấy sau 8 năm thực hiện, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đã bộc lộ những mặt hạn chế, một số nội dung chưa được quy định trong Pháp lệnh hoặc quy định nhưng thiếu cụ thể, chưa phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và đời sống đạo đang diễn ra hiện nay.

Theo quy định tại điều 33 của Pháp lệnh, tổ chức tôn giáo chỉ được tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo với mức độ hạn chế, các chức sắc, nhà tu hành với tư cách công dân mới được tổ chức hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo.

Song trên thực tế, hiện nay tổ chức, cá nhân tôn giáo không chỉ tham gia dưới hình thức hỗ trợ mà còn trực tiếp thành lập các trường mầm non, các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội. Quy định này chưa phù hợp với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước Việt Nam về xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và một số văn bản pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, việc quy định về sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam chưa đầy đủ trong khi người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, sinh sống ngày càng nhiều, một số cơ sở thờ tự tôn giáo trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của họ.

Ghi nhận những vất vả, khó khăn của đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định tôn giáo là vấn đề lớn, phức tạp, nhạy cảm.

Những đóng góp của tôn giáo với dân tộc, với đất nước rất lớn, rất quan trọng nhưng đã có không ít người lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, gây cản trở cho Việt Nam trong quá trình hội nhập vào cộng đồng thế giới.

Hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam, từ các bản Hiến pháp 1946, 1992 và hiện nay là dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cùng nhiều luật, văn bản dưới luật cũng đã đề cập đến nhiều nội dung liên quan đến tôn giáo. Tuy nhiên, nhiều văn bản pháp luật vẫn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, thống nhất về công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, nhiều quy định còn bất cập, lạc hậu.

Phó Chủ tịch Quốc hội ủng hộ đề xuất phải có một văn bản pháp lý hoàn thiện hơn về công tác này. Về trước mắt, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị sửa các nội dung quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn, đến một thời điểm chín muồi sẽ nâng pháp lệnh lên thành luật.

Để có cơ sở sửa đổi Pháp lệnh, Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ cần tổng kết đầy đủ, bài bản, đánh giá những mặt được cũng như chỉ ra những bất cập, thiếu sót liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Cùng với đó, rà soát, thống kê lại số lượng văn bản pháp luật hiện nay của Nhà nước có liên quan đến vấn đề tôn giáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ hiện nay, Việt Nam đã gia nhập nhiều công ước quốc tế, cần có sự đối chiếu những quy định công ước đó và nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm luật pháp các nước để xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp.

Bộ Nội vụ cũng cần nghiên cứu mô hình bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, xác định mô hình hợp lý nhất để chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân.

Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, cả nước hiện có 13 tôn giáo với 36 tổ chức tôn giáo và một pháp môn tu hành đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, với gần 24 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27% dân số cả nước), 83 ngàn chức sắc, 250 ngàn chức việc, 46 cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo, 25 ngàn cơ sở thờ tự.

95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Nhìn chung, tình hình tôn giáo cơ bản ổn định, hoạt động theo đường hướng, điều lệ tổ chức, tuân thủ pháp luật. Đảng và chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, tín đồ các tôn giáo được diễn ra bình thường.

Tuy vậy vẫn còn một số điểm nóng về đất đai, cơ sở thờ tự, nội bộ tôn giáo, vấn đề tà đạo vẫn lẻ tẻ xảy ra ở các địa phương, một số phần tử cực đoan trong các tôn giáo vẫn tiếp tục có các hành động chống Đảng và chính quyền. Các thế lực phản động ở nước ngoài vẫn lợi dụng các khiếu kiện đất đai, cơ sở thờ tự tôn giáo để vu cáo Việt Nam về vấn đề “nhân quyền,” “tự do tôn giáo”./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục