Tạo điều kiện cho DN ngoại kinh doanh dược phẩm

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang khẳng định Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đối tác nước ngoài kinh doanh và sản xuất dược hoạt động trong môi trường thông thoáng, lành mạnh, công khai và minh bạch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang khẳng định Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đối tác nước ngoài kinh doanh và sản xuất dược hoạt động trong môi trường thông thoáng, lành mạnh, công khai và minh bạch.

Ông Quang khẳng định như vậy tại "Hội nghị giữa Bộ Y tế với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam" sáng 13/1, tại Hà Nội.

Tại hội nghị, ngoài cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về hoạt động ngành dược, điều quan trọng hơn là các cơ quan Việt Nam trong đó có Bộ Y tế tập trung thảo luận, giải đáp gần 70 câu hỏi của các doanh nghiệp; đặc biệt, là nội dung cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam, các định hướng hoạt động của ngành dược trong thời tới.

Các câu hỏi của các doanh nghiệp tập trung chủ yếu về các vấn đề thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc mới sản xuất, đối tượng nào được thử nghiệm lâm sàng và những quốc gia nào mà Việt Nam thừa nhận thử nghiệm lâm sàng.

Đồng thời Bộ Y tế cũng cho biết từ ngày 1/1/2009 các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam chỉ được quyền nhập khẩu nhưng không có quyền phân phối dược phẩm.

Từ ngày 1/1/2009 Việt Nam áp dụng thực thi quyền xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp dược nước ngoài; xây dựng Lộ trình áp dụng các quy định trong đăng ký thuốc phù hợp với quá trình hội nhập ASEAN (ACTD/ACTR) và cơ chế, chính sách nhằm đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối thuốc. Về phía các công ty nước ngoài tiếp tục đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực sản xuất thuốc, nhất là thuốc ở dạng bào chế hiện đại, những loại thuốc có tiềm năng cao từ nguồn dược liệu trong nước.

Năm 2008, tổng giá trị tiền thuốc sử dụng trong nước đạt 1.425 triệu USD, tăng 25,45% so với năm 2007, góp phần tăng tiền thuốc bình quân đầu người lên 16,45 USD/năm, tăng 22,8% so với năm 2007. Trị giá thuốc sản xuất trong nước đạt 715,4 triệu USD, tăng 25,4% so với năm 2007, đáp ứng 50,2% nhu cầu sử dụng thuốc, tính trên trị giá tiền thuốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục