Tạo điều kiện đầu tư kinh tế trọng điểm miền Trung

Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư hoạt động có hiệu quả tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tổ chức trong hai ngày 25 và 26/6, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách được Chính phủ phê duyệt trong phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông, đường bộ, cầu, cảng,... nối liền với các trung tâm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi nối liền không gian kinh tế, giảm thời gian và chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tăng thời gian lưu trú của khách du lịch trên địa bàn.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi và Bình Định cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao để bảo đảm cung cấp đủ công nhân có tay nghề cho các trung tâm công nghiệp lớn.

Hội nghị xúc tiến đầu tư vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nằm trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến Quốc gia năm 2010 nhằm đẩy mạnh thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào khu vực này.

Đây là cơ hội để các địa phương, các nhà đầu tư trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trong những lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế, đó là lĩnh vực du lịch, dịch vụ cảng biển và khu công nghiệp, khu kinh tế.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có vị trí chiến lược quan trọng, cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên và các nước tiểu vùng sông Mekong trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông-Tây (EWEC), giàu tiềm năng phát triển ngành kinh tế biển, du lịch.

Vùng hiện sở hữu đến 4/13 khu kinh tế trọng điểm với hệ thống cảng biển nước sâu giữ vai trò trụ cột trong đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn FDI.

Tính đến tháng Năm vừa qua, riêng khu vực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã thu hút gần 400 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 15 tỷ USD, chiếm 75% về số dự án và 61% về tổng vốn đăng ký của cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Vai trò của đầu tư nước ngoài ngày càng thể hiện rõ nét, đến nay đã đóng góp trên 5% GDP và giải quyết việc làm cho khoảng sáu vạn lao động trực tiếp của toàn vùng. Sự gia tăng mạnh mẽ của lượng vốn FDI kể từ năm 2007 với một số dự án quy mô lên đến hàng tỷ USD đã dấy lên một làn sóng đầu tư mới vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Chỉ tính riêng ba năm gần đây, từ năm 2007-2009, tổng vốn FDI vào vùng đã đạt mức gần 11,3 tỷ USD, gấp hơn bốn lần của 19 năm trước đó cộng lại.

Để thúc đẩy phát triển các trung tâm công nghiệp, trung tâm du lịch, khu kinh tế của vùng như Dung Quất, Chu Lai, Đà Nẵng, Hội An, Chính phủ đã có nhiều chính sách và đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trọng yếu như đường bộ, đường hàng không, cụm cảng, xây dựng hành lạng pháp lý để thu hút đầu tư theo hình thức PPP, xây dựng chiến lược đồng thời từng bước phát triển các dịch vụ chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục./.

Tri Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục