Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng

Phó Chủ tịch nước khẳng định Nhà nước, xã hội tạo mọi điều kiện để phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng của mình trong các lĩnh vực.
Tại buổi tọa đàm “CEDAW và pháp luật về bình đẳng giới tại Việt Nam” tổ chức tối 24/11 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định, mọi hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ đều bị cấm.

Phó Chủ tịch nước khẳng định, Nhà nước, xã hội tạo mọi điều kiện để phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Đánh giá về những nỗ lực của Việt Nam trong việc nội luật hóa Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (công ước CEDAW) vào pháp luật bình đẳng giới, Phó Chủ tịch nước nhận định, sau khi có Luật bình đẳng giới (2006), việc lồng ghép giới đã trở thành một quy trình, thủ tục pháp lý bắt buộc khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.

Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất và toàn diện hơn ở Việt Nam. Nhiều chuẩn mực, nguyên tắc của CEDAW đã được thể hiện trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, những thành quả mà Việt Nam đạt được trong sự nghiệp phát triển, bảo vệ con người, thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ phụ nữ là rất đáng tự hào, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trên thực tiễn, vị thế, vai trò của phụ nữ đã được cải thiện và ngày càng được nâng cao.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam, bà Trương Thị Mai cũng nêu rõ, bình đẳng giới đã trở thành một quyết tâm chung, là mục tiêu phấn đấu của cả hệ thống chính trị. Mục tiêu bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước Việt Nam được bảo đảm bằng trách nhiệm quốc gia trước cộng đồng quốc tế.

Vấn đề bình đẳng giới không còn là điều tuyên ngôn long trọng trên văn bản, mà đã trở thành một nguyên tắc chủ đạo, có giá trị chi phối đối với pháp luật có liên quan đến quyền con người và được bảo đảm trên thực tế bằng những biện pháp phù hợp.

Các báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện CEDAW tại Việt Nam cho thấy quyền bình đẳng của phụ nữ so với nam giới đã không ngừng được nâng cao và hoàn thiện hơn từ trong quy định của pháp luật tới thực tiễn. Nhóm nữ nghị sỹ trong Quốc hội ra đời hơn một năm qua đã tạo thêm cơ chế và diễn đàn để góp phần cho mục tiêu bình đẳng giới thực chất.

Ông Jesper Morch, Quyền điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, việc phê chuẩn Công ước CEDAW là kết quả của sự nỗ lực quốc tế qua hàng thập kỷ để bảo vệ và thúc đẩy quyền phụ nữ trên toàn thế giới.

Công ước đã trở thành một phần trong hệ thống điều ước quốc tế về quyền con người với mục đích bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ với nam giới, không phân biệt giới tính trong việc thụ hưởng các quyền con người và các quyền tự do cơ bản.

Công ước quy định những nghĩa vụ ràng buộc về mặt pháp lý của các quốc gia thành viên nhằm đảm bảo xóa bỏ hoàn toàn tình trạng phân biệt đối xử đối với phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực, bất kể công hay tư.

Công ước CEDAW được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 18/12/1979. Đến nay, đã có 186 nước phê chuẩn công ước này. Đây là công cụ quốc tế duy nhất có thể giải quyết một cách toàn diện quyền của phụ nữ trong khuôn khổ đời sống chính trị, dân sự, văn hóa, kinh tế và xã hội.

Tham gia công ước, các quốc gia không những phải cam kết bảo đảm pháp luật hiện hành không trực tiếp phân biệt đối xử với phụ nữ mà còn phải có những hành động cần thiết để phụ nữ được hưởng sự bình đẳng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục