Tạo điều kiện thuận lợi để tất cả cử tri thực hiện quyền bầu cử

Tất cả cử tri thuộc mọi lứa tuổi, thành phần, dân tộc, tôn giáo... đều được tạo điều kiện thuận lợi để đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.
Tạo điều kiện thuận lợi để tất cả cử tri thực hiện quyền bầu cử ảnh 1Cụ Lê Thị Diệu Muội, 94 tuổi, 75 năm tuổi Đảng, lão thành cách mạng đi bỏ phiếu tại điểm bầu cử số 4, phường Vĩnh Phúc, Quận Ba Đình (Hà Nội). (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chiều 22/5, công tác bầu cử tiếp tục diễn ra an toàn, dân chủ, đúng luật định, trên khắp các vùng, miền của đất nước.

Tất cả cử tri thuộc mọi lứa tuổi, thành phần, dân tộc, tôn giáo... đều được tạo điều kiện thuận lợi để đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.

Ngư dân hào hứng đi bầu cử để kịp ra biển
 
Ngay từ sáng tinh mơ, hàng trăm ngư dân đã có mặt tại điểm bầu cử số 7 xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Họ đến đây tranh thủ đọc và tìm hiểu thông tin cá nhân của các ứng cử viên để lựa chọn người xứng đáng đại diện cho nhân dân.

Khu vực bầu cử này là 1 trong 9 điểm bầu cử của xã tập trung hàng nghìn ngư dân. Nơi đây đã được trang hoàng với quốc kỳ, hàng chục biểu ngữ, pano, tạo không khí vui tươi mà trang nghiêm. Ban tổ chức đã bố trí từng khu vực: Tiếp nhận, xử lý thông tin; cấp phiếu bầu, phòng kín và khu vực bầu cử... để cử tri có thể thuận tiện trong công tác bầu cử.

Tại đây, ngoài những lão ngư đã hơn chục lần cầm lá phiếu bầu cử, còn có cả những ngư dân trẻ, lần đầu tiên được cầm lá phiếu trên tay.

Trong niềm vui hân hoan, ngư dân Đỗ Quốc Quảng cho biết, anh vừa từ vùng biển Hoàng Sa trở về đất liền để thực hiện quyền bầu cử. Thực hiện xong quyền và nghĩa vụ của mình, anh cảm thấy rất tự hào và gửi trọn niềm tin của mình vào lá phiếu.

Cử tri Hồ Thăng Nhâm, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ: Anh đi bỏ phiếu để chọn những người đủ tài, đủ sức, đủ đức để đóng góp cho quê hương đất nước. Bà con ngư dân phấn khởi và tin tưởng những người trúng cử sẽ đem hết sức lực, trí tuệ và tài năng của mình cống hiến xây dựng đất nước, đặc biệt là ưu tiên phát triển kinh biển đảo.

Theo nhiều ngư dân ở xã Bình Châu, ngoài Tết cổ truyền, ngày bầu cử hôm nay các xóm chài mới có đông đàn ông, thanh niên ở nhà như vậy. Những ngày thường, ở xã toàn phụ nữ, trẻ con và người già, còn thanh niên đều phải ra khơi xa để đánh bắt hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.

Ông Lê Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Bình Châu cho biết: Tại xã Bình Châu có gần 10.000 ngư dân, trong đó hơn 60% cử tri là ngư dân đánh bắt hải sản ngoài khơi xa. Xã đã bố trí 9 điểm bầu cử để thuận tiện cho ngư dân thực hiện quyền công dân của mình.

Theo thống kê của Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Ngãi, trong ngày hội này, hơn 944.000 cử tri trong tỉnh tham gia bỏ phiếu để bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Ngày hội bầu cử trên quê hương Nam kỳ khởi nghĩa

Phát huy khí thế quê hương cách mạng, ngày 22/5, người dân huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, nô nức đi bỏ phiếu để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.

Ngay từ sáng sớm, mạng lưới 18 xe loa cổ động tạo không khí sôi nổi trên các tuyến đường khu vực trung tâm thị trấn Vũng Liêm, vận động cử tri nhanh chóng đến điểm bỏ phiếu thực hiện nghĩa vụ công dân. Tuy Vũng Liêm là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng của tình hình khô hạn và xâm nhập mặn, nhưng tại khu vực bầu cử số 3 xã Trung Thành - một trong 3 xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, cử tri đã đến bỏ phiếu, với tinh thần đi đông, bầu đúng và bầu đủ để thể hiện quyền công dân.

Là một trong những cử tri đến bỏ phiếu sớm, Thượng tọa Sơn Ngọc Huynh, Ủy viên Hội đồng Trị sự Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long sau khi thực hiện quyền công dân, cho biết ông rất vui và tự hào khi tự tay bỏ lá phiếu để chọn người có tài, có đức vào cơ quan Nhà nước các cấp.

Ông mong muốn sau khi đắc cử, các ứng cử viên thực hiện đúng lời hứa trong chương trình hành động đã trình bày, mang hết tâm huyết và khả năng để phục vụ nhân dân. Các ứng cử viên sau khi trúng cử cần giữ mối liên hệ chặt chẽ với người dân thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri để lắng nghe nguyện vọng của người dân, quan tâm đến các chính sách hỗ trợ cho người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc phát triển sản xuất và nâng cao đời sống.

Ông Kiên Chức ở ấp Trung Trạch, xã Trung Thành, cho biết là một cử tri người dân tộc Khmer, trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, ông và các hộ dân trong xã đã tìm hiểu về tiểu sử và chương trình hành động của các ứng cử viên, qua đó đã có sự chọn lựa để sắp xếp công việc đến điểm bầu cử sớm, tự tay đi bỏ phiếu đúng người, đúng số lượng quy định.

Ông Đinh Tương, cán bộ hưu trí ở ấp Trung Trạch, xã Trung Thành, chia sẻ: Ông đã vận động gia đình đến điểm bầu cử sớm để thực hiện quyền công dân với mong muốn chọn lựa những đại biểu đủ tâm, đủ tầm, lo cho dân qua những chương trình hoạt động cụ thể và sát với tình hình địa phương, nguyện vọng của người dân nông thôn, như đề xuất chính sách về tiêu thụ nông sản, giải quyết việc làm cho lao động và nâng cao đời sống hộ chính sách, hộ khó khăn, vùng dân tộc.

Theo Ủy ban bầu cử huyện Vũng Liêm, toàn huyện có 125.033 cử tri tham gia bầu cử. Để ngày bầu cử diễn ra dân chủ, đúng luật, an toàn, huyện bố trí 182 khu vực bỏ phiếu, tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri. Đến 10 giờ 30, tại các điểm bỏ phiếu trên địa bàn huyện đã có 110.621 cử tri đi bầu, đạt 86,95%; có 11 xã đã đạt 100% cử tri đi bầu, riêng xã Trung Thành đạt 75% và phấn đấu hoàn thành đúng thời gian quy định, thể hiện trách nhiệm của cử tri, xứng danh với truyền thống cách mạng của quê hương Nam kỳ khởi nghĩa và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Tạo điều kiện thuận lợi để tất cả cử tri thực hiện quyền bầu cử ảnh 2Cử tri khu phố Nguyễn Du, phường 7, thành phố Tuy Hòa đi bầu cử. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN)

Giáo xứ Kim Giao hân hoan trong Ngày hội lớn

Hòa chung không khí ngày hội bầu cử trong cả nước, ngay từ sáng sớm 22/5 các giáo dân thuộc giáo xứ Kim Giao, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, đã hồ hởi thức dậy để đến các điểm bầu cử, tiến hành bỏ phiếu, lựa chọn những đại biểu tiêu biểu nhất, đại diện cho quyền lợi, nghĩa vụ của mình.

Mới khoảng 7 giờ sáng, mọi ngả đường trên địa bàn giáo xứ đều tấp nập, khẩn trương đến các điểm bỏ phiếu, nhưng rất trật tự. Bên cạnh đó, cờ, băng rôn rực rỡ, tiếng loa đài rộn rã không khí của ngày hội lớn. Tại các ngã rẽ, các điểm đường giao nhau, lực lượng công an đều ứng trực, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Ông Trương Bá Long, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên Ủy ban bầu cử xã Hải Dương cho biết: Toàn xã Hải Dương có 187 giáo dân, trong đó giáo xứ Kim Giao có 81 cử tri. Một số cử tri đang sinh sống, làm việc tại một số tỉnh, thành phố khác.

Để tất cả giáo dân của giáo xứ thực hiện đúng và đủ các quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân trong ngày hội lớn của đất nước, ngay từ tháng 3/2015, chính quyền các cấp xã Hải Dương và các hội, đoàn thể đã phối hợp với ông Nguyễn Xứ - linh mục quản xứ Kim Giao, lồng ghép tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mọi công dân đối với các kỳ bầu cử, đúng với tinh thần: “Mỗi giáo dân tốt trước hết phải là một công dân tốt.”

Ông Trần Hoành, giáo dân Kim Giao cho biết: Thấm nhuần lời dạy của Đức giáo hoàng và phúc âm Thiên chúa, tất cả giáo dân xứ Kim Giao nguyện thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sống tốt đời đẹp đạo, phúc âm trong lòng dân tộc, nên rất nhiệt tình tham gia ngày lễ lớn của đất nước.

Ngày hội non sông tại vùng giáo dân ven biển Nam Định

Ngày 22/5, hơn 1,4 triệu cử tri tỉnh Nam Định tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, tại 1.739 khu vực bỏ phiếu ở 229 xã, phường, thị trấn. Nhiều khu vực bỏ phiếu trên địa bàn các huyện, thành phố đã tổ chức cho cử tri bỏ phiếu trước 7 giờ để bà con nhân dân kịp thời gian về đi làm.

Tại xã Hải Lý, huyện Hải Hậu (Nam Định), địa phương có tỷ lệ đồng bào theo đạo công giáo chiếm hơn 90% dân số toàn xã, từ 5 giờ, những con đường dẫn về các xứ đạo, họ đạo dường như nhộn nhịp, đông đúc hơn.

 

Trong không khí rộn ràng của ngày hội bầu cử, bà con giáo dân, ngư dân nơi đây đã dậy sớm hơn, thu xếp công việc gia đình đi lễ nhà thờ để trở về các khu vực bỏ phiếu thực hiện quyền công dân của mình, bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

Đông đảo cán bộ, đảng viên, các vị Linh mục, đại diện các giáo xứ, giáo họ cùng bà con giáo dân đã tập trung tham gia bỏ phiếu lựa chọn những đại biểu tiêu biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Cầm lá phiếu trên tay, giáo dân Nguyễn Thế Vinh, khu vực bầu cử số 5, xã Hải Lý, cẩn thận xem lại một lần nữa tiểu sử của các ứng cử viên. Ông Vinh mong muốn, các ứng cử viên được cử tri lựa chọn đại diện cho nhân dân, cần thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình; gần gũi với người dân, lắng nghe tâm tư, nguyên vọng, ý kiến, kiến nghị của bà con để gửi tới Quốc hội và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Lần đầu tiên được tham gia bầu cử, cử tri Đinh Phương Thảo, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu xúc động: “Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào vì được trực tiếp lựa chọn những đại biểu đại diện cho nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước.”

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hải Lý Vũ Viết Văn cho biết: Toàn xã có trên 7.500 cử tri, đa số làm nghề đánh bắt thủy hải sản trên biển thường xuyên xa nhà. Tuy nhiên, được sự động viên, tuyên truyền của các ban, ngành, đoàn thể, đại diện các xứ đạo, họ đạo, bà con ngư dân đã thu xếp công việc trở về đúng thời gian tham gia bầu cử. Tính đến hơn 10 giờ ngày 22/5, xã Hải Lý đã đạt trên 90% cử tri đi bỏ phiếu.

Theo Ủy ban bầu cử tỉnh Nam Định, ở nhiều khu vực bỏ phiếu tại thành phố Nam Định và các huyện, cử tri đã tập trung đi bỏ phiếu với tỷ lệ cao. Theo phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Nam Định được bầu tổng số 9 đại biểu Quốc hội, trong đó 5 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương, 4 đại biểu do Trung ương giới thiệu.

Tạo điều kiện thuận lợi để tất cả cử tri thực hiện quyền bầu cử ảnh 3Cử tri Phạm Huy Tuy, bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) bỏ phiếu vào thùng phiếu lưu động. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Bảo đảm quyền bầu cử cho những người bị tạm giam, tạm giữ

 

Tại tổ bầu cử số 1, phố Cao Sơn, phường An Hoạch, thành phố Thanh Hóa, các cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa, đã tổ chức cho những người đang bị tạm giam, tạm giữ bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đây là quy định mới trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 nhằm đảm bảo người bị tạm giữ, tạm giam thực hiện quyền bầu cử đúng quy định.

100% người bị tạm giam, tạm giữ tại trại đủ điều kiện tham gia bầu cử đã được thực hiện quyền công dân của mình. Trại có 2 đối tượng đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Để đảm bảo cho các đối tượng được thực hiện quyền bầu cử của mình, các cán bộ trại đã đến tận bệnh viện tuyên truyền cho các đối tượng về mục đích, ý nghĩa của ngày bầu cử. Sáng 22/5, do điều kiện sức khỏe đảm bảo, Trại đã cử xe đến tận bệnh viện đón 2 đối tượng về bỏ phiếu tại trại.

Theo Thượng tá Bùi Xuân Trường, Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa, trại có 584 người đang bị tạm giam, tạm giữ đủ điều kiện để tham gia bầu cử. Do điều kiện đặc thù tại đơn vị, để ngày bầu cử được tiến hành thuận lợi, đúng quy định, công tác tuyên truyền được trại thực hiện với nhiều hình thức như: Phát sách báo đến từng buồng giam; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh...

Đặc biệt, các cán bộ của trại ngoài nhiệm vụ chuyên môn đã trở thành những tuyên truyền viên đến tận từng buồng giam tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy chế bầu cử, nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu cho người bị tạm giữ, tạm giam, qua đó đảm bảo được quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của những cử tri đặc biệt này khi tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

Ông Nguyễn Hữu Nha (62 tuổi) ở xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đang trong thời gian tạm giam chờ xét xử về tội làm sai quy định của Nhà nước, chia sẻ: "Tôi rất phấn khởi và vui mừng vì trong trại tạm giam nhưng vẫn được thực hiện quyền bầu cử. Nhờ sự quan tâm của cán bộ quản giáo, chúng tôi được tiếp cận thông tin qua đọc báo, hằng ngày được nghe loa phát thanh và được cán bộ quản giáo trực tiếp tuyên truyền về bầu cử."

Chị Trịnh Thị Minh Vương, trú tại xã Yên Bái, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, đang trong thời gian tạm giam chờ xét xử về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bày tỏ vui mừng và phấn khởi khi được thực hiện quyền công dân của mình. Chị Vương tỏ ra ăn năn với những lỗi lầm mắc phải và tự hứa sẽ nỗ lực, phấn đấu cải tạo tốt để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, để sau khi được hòa nhập cộng đồng sẽ tiếp tục thực hiện quyền công dân của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục