Tảo độc - thủ phạm làm khủng long tuyệt chủng

Không phải những cú va chạm khủng khiếp của Trái Đất, không phải núi lửa, tảo độc mới là thủ phạm làm khủng long tuyệt chủng.
Không phải những cú va chạm khủng khiếp của Trái Đất, cũng không phải sự phun trào của núi lửa, tảo độc chính là thủ phạm đầu tiên làm khủng long tuyệt chủng.

Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Clemson của Mỹ đã đưa ra lý luận mang tính đột phá để giải thích bí mật về sự tuyệt chủng của loài khủng long cách đây 65 triệu năm.

Các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành hóa nghiệm đối với trầm tích thực vật cổ và đưa ra kết luận, vào thời kỳ đó loài tảo lam xanh phát triển rất nhanh và phân bố rộng khắp Trái Đất.

Nhà địa chất học Geologist James Castle và nhà sinh thái - độc tố học John Rogers cho rằng loài tảo độc này có thể tạo ra chất độc khi còn sống và sau khi chết đi, di thể của nó vẫn còn có thể làm tiêu hao ôxy ở môi trường xung quanh.

“Mưa dầm thấm lâu”, tảo độc đã dần dần tác động vào sự tuyệt chủng của sinh vật và tới một thời điểm nào đó, tác động này tạo thành một thảm họa khủng khiếp. Những cú va chạm “long trời” của Trái Đất hay sự phun trào kinh khủng của núi lửa chỉ giúp đẩy nhanh tiến trình tuyệt chủng của sinh vật.

Như vậy, thủ phạm đầu tiên gây ra sự tuyệt chủng trong phạm vi rộng lớn của sinh vật chính là loài tảo độc này.

Từ lâu nay có nhiều cách giải thích khác nhau về bí mật tuyệt chủng đột ngột của loài khủng long và các loài động thực vật cổ khác.

Một số nhà khoa học cho rằng những cú va chạm khủng khiếp của Trái Đất đã tạo ra những cơn cuồng phong kèm theo cát bụi chắn không cho ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống Trái Đất, nhiệt độ đột ngột giảm xuống, gây ra sự tuyệt chủng của hàng loạt sinh vật.

Trong khi đó, một số nhà khoa học lại cho rằng núi lửa phun trào đã tạo ra lượng lớn bụi và các khí độc làm biến đổi khí hậu và dẫn đến sự tuyệt chủng của sinh vật.

Các nhà khoa học cho rằng sự biến đổi khí hậu hiện nay rất có lợi cho sự sinh trưởng của loài tảo độc. Một môi trường ấm áp, nhiều khí CO2 và rất nhiều chất dinh dưỡng trong nước biển là những điều kiện lý tưởng giúp tảo độc sinh sôi nảy nở.

Tảo độc ngày càng sinh trưởng và phát triển với số lượng lớn, đồng nghĩa với việc lượng chất độc mà chúng thải ra cũng sẽ tăng cao. Nếu như không tăng cường khống chế, sinh vật trên Trái Đất hiện nay cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng./.

Ngọc Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục