Tạo đòn bẩy vững chắc để Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ cho rằng kết quả ấn tượng nhiệm kỳ qua sẽ tạo đòn bẩy vững chắc để Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp.
Tạo đòn bẩy vững chắc để Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp ảnh 1Một góc Quảng trường thành phố Hưng Yên. tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng kinh tế hợp lý, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xây dựng Đảng bộ vững mạnh... Đây là những điểm nhấn làm thay đổi diện mạo quê nhãn Hưng Yên sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17.

Với những chủ trương đúng và trúng cùng những bước đi linh hoạt và sáng suốt, Hưng Yên đã vượt qua mọi khó khăn để vươn lên, tạo đà cho nhiệm kỳ mới.


Những bước đi sáng suốt

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 17, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra được những chủ trương, giải pháp đồng bộ, sát thực tiễn, có tính bước ngoặt và quyết định đối với sự phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với thực tế địa phương.

Tỉnh đã tích cực huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, với tổng vốn toàn xã hội 5 năm đạt trên 100.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với giai đoạn 2006-2010.

Nét nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua, Hưng Yên đã xây dựng, hoàn thành các công trình trọng điểm của tỉnh, trong đó có công trình Khu lưu niệm và Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Xây dựng Thành phố Hưng Yên cơ bản đạt đô thị loại II, Mỹ Hào là đô thị loại IV và đang trình công nhận thị xã...

Tỉnh có chủ trương và cơ chế cụ thể để phát triển và mở rộng các khu, cụm công nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Tạo cơ chế cho các địa phương xử lý đất dôi dư, xen kẹt để tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, ra nghị quyết về dồn thửa đổi ruộng để phục vụ công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn.

Tỉnh thu hút được nhiều trường Đại học đầu tư xây dựng tại Khu đại học Phố Hiến như: Trường Đại học Chu Văn An đã đi vào hoạt động, đang thi công xây dựng Trường Đại học Thủy lợi; Trường Đại học Y Tokyo Nhật Bản, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam trong Khu đô thị Ecopark (Văn Giang).

Tỉnh đầu tư cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Phố Nối, các bệnh viện huyện và các trạm y tế ở các xã, phường, thị trấn; đầu tư mới và đưa vào sử dụng Bệnh viện Sản Nhi.

Về cơ sở hạ tầng giao thông, Hưng Yên đã đề xuất với Trung ương để xây dựng các tuyến đường trọng điểm như: đường liên tỉnh Hà Nội-Hưng Yên, đường đê tả sông Hồng, nâng cấp quốc lộ 38B, đường tỉnh 200, đường tỉnh 195 giai đoạn 1 và xây mới cầu Lực Điền; hoàn thành tuyến đường liên tỉnh Dân Tiến-Khoái Châu đi Thanh Trì-Hà Nội.

Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án trọng điểm như đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đoạn qua tỉnh Hưng Yên; đường nối 2 đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với Cầu Giẽ-Ninh Bình, Dự án Khu đô thị Thương mại-Du lịch Văn Giang (Ecopark)...

Về sản xuất, Hưng Yên tiếp tục chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, coi trọng các ngành có sản phẩm chất lượng, có thương hiệu, tăng sức cạnh tranh, có ý nghĩa chiến lược và bền vững; khuyến khích sản phẩm công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu. Tạo cơ chế thông thoáng để thu hút dự án, lấp đầy các khu Công nghiệp Phố Nối A, Thăng Long II...

Tỉnh đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, triển khai đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất cây con cho giá trị kinh tế cao như: phát triển vùng cây đặc sản ở Khoái Châu, Văn Giang, Yên Mĩ; hình thành vùng lúa cao sản, chăn nuôi bò lai sin, lợn nạc, thuỷ sản, VAC cho đồng đất chiêm Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch nhanh theo hướng giảm tỉ trọng cây lương thực, tăng cây công nghiệp, rau quả, chăn nuôi theo hướng thâm canh hàng hoá.


"Gam màu" mới trên quê nhãn

Từ những chủ trương sáng suốt, bức tranh kinh tế xã hội của của Hưng Yên đã khởi sắc với diện mạo mới. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế của tỉnh vẫn duy trì được sự phát triển - tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 7,8%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 40 triệu đồng, gấp đôi năm 2010.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa: nông nghiệp 13%; công nghiệp - xây dựng 49%; Thương mại-Dịch vụ 38%. Thu ngân sách tăng bình quân 17%/năm, đạt 8.000 tỷ đồng năm 2015, vượt 2.000 tỷ Đại hội XVII đề ra.

Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng phát triển nhanh cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; đã chuyển đổi trên 6.000 ha từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây hàng năm, kết hợp với chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả cao, nâng giá trị bình quân mỗi ha canh tác năm 2015 ước đạt mức 150 triệu đồng, gấp 1,5 lần năm 2010. Tại các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Kim Động, thành phố Hưng Yên nhiều diện tích trồng cây đặc sản như cam, quýt, nhãn, chuối tiêu hồng cho thu nhập từ 500 đến 800 triệu đồng/ha mỗi năm.

Nhiều sản phẩm xây dựng được thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu tập thể như: tương Bần, gà Đông Tảo, quất cảnh Văn Giang; riêng nhãn lồng Hưng Yên bước đầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc; tổng nguồn vốn đã huy động đạt gần 40 nghìn tỷ đồng; ước tính, đến hết năm 2015, bình quân toàn tỉnh đạt 14,7 tiêu chí/xã, có 38/145 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí, trong đó công nhận 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 9,87%; cơ cấu công nghiệp chuyển dịch tích cực; các khu công nghiệp Phố Nối A, Khu công nghiệp Thăng Long II hoạt động hiệu quả, đóng góp nhiều vào nguồn thu ngoại tệ qua hoạt động xuất khẩu. Mỗi năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 530 doanh nghiệp mới được thành lập, đến nay thu hút hơn 1.200 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký tương đương 7,1 tỷ USD (mục tiêu 5 tỷ USD).

Lĩnh vực thương mại dịch vụ có bước phát triển mới, bình quân hàng năm tăng 8,5%; riêng kim ngạch xuất khẩu tăng 33,27%/năm. Các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển.

Về văn hóa xã hội, 5 năm qua Hưng Yên đầu tư trên 1.000 tỷ đồng xây dựng và nâng cấp hệ thống thiết chế văn hoá từ tỉnh tới cơ sở; chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; Khu di tích Phố Hiến được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, khẳng định các giá trị trong hệ thống đô thị cổ Việt Nam.

Chất lượng giáo dục toàn diện của Hưng Yên liên tục được duy trì top đầu cả nước về thi tuyển đại học, phổ cập giáo dục các cấp; là tỉnh thứ 6 đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tỉnh thứ 7 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ II; thực hiện chuyển đổi 159/159 trường mầm non bán công sang công lập và tuyển dụng giáo viên có chất lượng để đầu tư cho giáo dục-đào tạo ngay từ bậc học nền móng.

Trong công tác xây dựng Đảng, Hưng Yên đã quyết liệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về "một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay". Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã xác định 3 vấn đề nổi cộm trên địa bàn và ban hành 3 nghị quyết chuyên đề để khắc phục gồm: chấm dứt tình trạng khiếu kiện phức tạp kéo dài của công dân 3 xã trong vùng dự án Khu đô thị thương mại du lịch Văn Giang; giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; ngăn chặn tình trạng vi phạm công trình thủy lợi. Đến nay, những vấn đề này đã cơ bản được giải quyết, tạo sự đồng thuận và niềm tin trong nhân dân.

Trong không khí nhộn nhịp trước ngày khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, ông Đỗ Tiến Sỹ, Bí thư Tỉnh ủy phấn khởi chia sẻ: "Với những kết quả ấn tượng của nhiệm kỳ qua sẽ tạo đòn bẩy vững chắc để Hưng Yên tiếp tục tiến bước trên chặng đường mới, sớm trở thành tỉnh công nghiệp phát triển bền vững"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục