Tạo khung pháp lý thống nhất về việc nuôi con nuôi

Đa số các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Nuôi con nuôi nhằm tạo khung khổ pháp lý thống nhất, ổn định.
Sáng 12/11, các đại biểu thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Nuôi con nuôi và biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010.

Tạo khung khổ pháp lý thống nhất về việc nuôi con nuôi

Phần đầu buổi sáng, các đại biểu dành thời gian thảo luận về dự thảo Luật Nuôi con nuôi. Đa số các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Nuôi con nuôi nhằm tạo khung khổ pháp lý thống nhất, ổn định, có giá trị áp dụng lâu dài để thu hút sự quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em, nâng cao trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp, cơ quan, tổ chức và xã hội trong việc bảo đảm quyền của trẻ em.

Việc ban hành Luật thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tạo cơ sở để Chính phủ ban hành và thực hiện các chính sách, biện pháp nhằm khuyến khích, động viên và tăng cường trách nhiệm của toàn xã hội trong việc giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để các em được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trong môi trường gia đình, hòa nhập với cộng đồng và có điều kiện phát triển thành người có ích cho xã hội.

Luật Nuôi con nuôi còn tạo cơ sở pháp lý đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các cặp vợ chồng trong nước mong muốn có con nuôi; bảo vệ quyền và lợi ích của cha mẹ nuôi, giúp họ ổn định tư tưởng và yên tâm trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc con nuôi như con đẻ.

Ngoài ra việc ban hành Luật Nuôi con nuôi còn thể hiện sự tôn trọng các cam kết quốc tế của Nhà nước đã đưa ra khi tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em, tôn trọng và bảo đảm các quyền trẻ em…

Nhiều ý kiến về đối tượng được nhận làm con nuôi

Về đối tượng được nhận làm con nuôi, Điều 14 của dự thảo Luật quy định người được nhận làm con nuôi là trẻ em từ đủ 15 tuổi trở xuống và người trên 15 tuổi nếu là thương binh, người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc làm con nuôi của người già yếu, cô đơn.

Thảo luận về nội dung này, nhiều ý kiến đề nghị Luật Nuôi con nuôi chỉ nên tập trung quy định con nuôi là trẻ em.

Theo báo cáo của Cơ quan soạn thảo, thực tế từ khi có Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 đến nay không có trường hợp nào đăng ký người trên 15 tuổi là thương binh, người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự được nhận làm con nuôi hoặc nhận làm con nuôi của người già, yếu cô đơn.

Việc nhận làm con nuôi trong những trường hợp này thực chất là nhận “phụng dưỡng, chăm sóc”, không phù hợp với bản chất cũng như mục đích của việc nuôi con nuôi quy định tại dự thảo Luật. Đại biểu Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận) đề nghị các đối tượng nêu trên cần được nuôi dưỡng ngay tại gia đình; trong trường hợp không thể nuôi tại gia đình thì áp dụng các quy định hiện hành của Nhà nước.

Về độ tuổi là trẻ em được nhận làm con nuôi, tại Điều 14 và Điều 30 của dự thảo Luật quy định: trẻ em được nhận làm con nuôi là người từ đủ 15 tuổi trở xuống. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì trẻ em là người dưới 16 tuổi (Điều 1).

Như vậy, nếu quy định độ tuổi trẻ em như dự thảo Luật sẽ tạo ra xung đột pháp luật. Từ lý lẽ này, các đại biểu Ngô Minh Hồng (Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang)… đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định trẻ em được nhận làm con nuôi là người dưới 16 tuổi để bảo đảm sự thống nhất trong quy định về độ tuổi trẻ em trong hệ thống pháp luật.

Cũng về vấn đề này, có ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật quy định trẻ em được nhận làm con nuôi là người từ đủ 15 tuổi trở xuống để tương thích với một số văn bản pháp luật hiện hành như Luật Hôn nhân và Gia đình.

Điều kiện trẻ em được nhận làm con nuôi

Điều 14 và Điều 30 của dự thảo Luật quy định khác nhau về điều kiện trẻ em được nhận làm con nuôi. Nhiều ý kiến phát biểu cho rằng việc trẻ em được nhận làm con nuôi ở nước ngoài hay trong nước đều là “giải pháp thay thế gia đình, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”. Chính vì yếu tố này, không nên có sự phân biệt về điều kiện trẻ em được nhận làm con nuôi trong nước và nước ngoài (Điều 14 và Điều 30) mà nên có một quy định thống nhất.

Tại điểm c khoản 1 Điều 30 của dự thảo Luật quy định những trường hợp như trẻ em khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS, là nạn nhân của chất độc hóa học, mắc bệnh hiểm nghèo làm con nuôi ở nước ngoài.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) và một số đại biểu khác cho rằng, quy định như vậy, ngoài việc tạo ra sự khác biệt về điều kiện giữa nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi nước ngoài, quy định này còn có thể gây nên sự hiểu lầm là gia đình, Nhà nước, xã hội né tránh trách nhiệm trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng đối với những trẻ em này.

Trao đổi về điều kiện đối với người nhận con, đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) tán thành với quy định người nhận con nuôi phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên. Đại biểu Ngô Minh Hồng lại đề nghị cần quy định khoảng cách tuổi là 25 mới phù hợp. Đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) đề nghị người bị kết án mà chưa được xóa án tích cũng không thể là đối tượng được nhận nuôi con nuôi.

Cũng trong sáng nay, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010 với đa số phiếu tán thành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục