Tạo môi trường thuận lợi hơn cho người khuyết tật

Luật Người khuyết tật sắp được trình Quốc hội thông qua với nhiều quy định mới nhằm tạo môi trường sống thuận lợi hơn cho đối tượng này.
Theo số liệu của Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có khoảng 15.000 lao động là người khuyết tật làm việc ổn định trong 400 cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương binh và người khuyết tật.
.
Tại hội thảo Nhà báo với công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về người khuyết tật vừa được tổ chức ở thành phố Hải Phòng, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Xuân Lập cũng cho biết khoảng 65% số hộ có người khuyết tật được hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như miễn, giảm thuế, ưu đãi tín dụng, hỗ trợ đất sản xuất…

Tuy nhiên, ông Lập thừa nhận phần lớn người khuyết tật không có việc làm ổn định, chủ yếu là tự tạo việc làm. Số ít làm việc trong các tổ chức, cơ sở mang tính nhân đạo từ thiện. Rất ít người khuyết tật tìm được việc làm và làm việc ổn định trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Theo tiến sỹ Hồ Bất Khuất, thực tế trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, người khuyết tật đang phải gánh chịu nhiều bất công và kỳ thị.

Số liệu điều tra của các tổ chức xã hội trong và ngoài nước cho biết có tới 40% người được phỏng vấn cho rằng người khuyết tật có thói quen ỷ lại người khác, 60% cho rằng nên gửi người khuyết tật vào các trung tâm để được chăm sóc tốt hơn; hơn 20% cho rằng người khuyết tật gánh chịu số kiếp khuyết tật là do số phận. Thậm chí, không ít người khuyết tật bị phân biệt, đối xử kỳ thị trong chính gia đình mình.

Tiến sỹ Hồ Bất Khuất nêu số liệu có tới 16% người bình thường tỏ ra coi thường người khuyết tật, 40% coi người khuyết tật là gánh nặng suốt cuộc đời, hơn 20% coi người khuyết tật là vô dụng...

Theo bà Dương Thị Vân, Hội người khuyết tật Hà Nội, trong nhiều khó khăn, chỉ đơn giản như vệ sinh công cộng cho người khuyết tật cũng là vật cản, chưa nói đến các dịch vụ công cộng hiện nay như các tòa nhà, bến xe, ga tàu… hầu hết đều không có công cụ hỗ trợ để người khuyết tật có thể tham gia. Bên cạnh đó, người khuyết tật rất ít khi được tham gia các dịch vụ văn hóa, tinh thần như người bình thường.

Ở khía cạnh khác, bà Nguyễn Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm Sống độc lập, cho rằng người khuyết tật chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Đơn cử như việc người khuyết tật phải chịu mức khởi điểm của thuế thu nhập như người không khuyết tật, trong khi họ phải trả gấp hai lần so với người bình thường cho các chi phí sinh hoạt trong cuộc sống.

Khi làm luật về thuế thu nhập cá nhân, các nhà làm luật đã không tìm hiểu hay tham vấn Hội người khuyết tật để có chính sách thuế phù hợp với đời sống thực tế của người khuyết tật, bà Bích Thủy nói.

Tiến sỹ Hồ Bất Khuất cho rằng chính sách của Nhà nước với người khuyết tật ở Việt Nam nói chung khá đầy đủ. Tuy nhiên, việc thực thi vẫn còn hình thức hoặc theo hướng làm từ thiện hơn là tạo điều kiện, hỗ trợ để người khuyết tật phát triển. Hầu hết các hoạt động là cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, bảo hiểm xã hội, xóa đói… hơn là các hỗ trợ tạo công ăn, việc làm hay giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Những hỗ trợ mang tính từ thiện do vậy đã không thường xuyên và bền vững!.

Về phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Lập cho biết trong năm nay, Bộ sẽ trình Quốc hội phê chuẩn Luật Người khuyết tật. Theo đó, Luật sẽ có nhiều điểm mới như trong các nhóm chính sách chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật sẽ quy định cấp thẻ bảo hiểm y tế, quyền ưu tiên khám chữa bệnh; giáo dục sẽ có các phương thức riêng như giáo dục hòa nhập, bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt với người khuyết tật, đồng thời với mở rộng là nâng cấp các cơ sở giáo dục, trung tâm hỗ trợ…

Luật cũng sẽ quy định các công trình công cộng, giao thông, công nghệ thông tin, truyền thông với các điều kiện trong phê duyệt đấu thầu phải có các công cụ hỗ trợ, giúp người khuyết tật sử dụng được các dịch vụ. Đặc biệt, Luật cũng quy định trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và cá nhân, tạo điều kiện cho người  khuyết tật tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và giải trí.

Câu chuyện về một người khuyết tật ngồi trên xe lăn đã phải đi lại tới tám lần giữa hai cơ quan Cục đăng kiểm thuộc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội để đăng ký lưu hành cho chiếc xe lăn ba bánh của mình đã được kể tại hội thảo như một ví dụ nhỏ về những khó khăn trong sinh hoạt của người khuyết tật hiện nay.

Theo số liệu khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng 5,3 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 6,34% dân số.

Trong đó có 1,1 triệu người bị khuyết tật nặng, 29,41% người bị khuyết tật vận động, 16,83% khuyết tật thần kinh, 13,84% bị thị giác.

Năm năm lại đây, mỗi năm có khoảng 8.000 người được học nghề, gấp hai lần giai đoạn 1999-2004.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục