Tạo ra 10 giống lúa đột biến cho hiệu quả cao

Từ việc áp dụng kỹ thuật và công nghệ hạt nhân, các nhà khoa học Việt Nam đã tạo ra hơn 10 giống lúa đột biến cho hiệu quả cao.
Từ việc áp dụng kỹ thuật và công nghệ hạt nhân, các nhà khoa học Việt Nam đã tạo ra hơn 10 giống lúa đột biến cho hiệu quả cao và được đưa vào sản xuất đại trà ở các tỉnh phía Nam, với diện tích hiện đạt khoảng 11% trong tổng diện tích các giống cải tiến.

Tại Hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ VIII diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hòa) từ ngày 20 - 22/8, Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho biết chỉ trong giai đoạn 2000-2009, các giống lúa đột biến như VND95-20, VND99-3, TNDB100, OM2717 được đưa vào sản xuất với diện tích trung bình trên 418.000ha/năm, đã tăng thu nhập cho người trồng khoảng 836 tỷ đồng mỗi năm.

Riêng giống lúa VND95-20 có diện tích trên 300.000ha/năm đã trở thành 1 trong 5 giống lúa chủ lực trong chương trình xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Các giống lúa đột biến này được tạo ra từ các giống gốc IR64, IR50404, Nàng Hương, Tám Xoan... bằng kỹ thuật chiếu nguồn tia gamma phóng xạ. Các thế hệ sau được chọn lọc theo phương pháp gia hệ.

Các dòng và giống lúa đột biến qua thử nghiệm đều đạt các tiêu chuẩn quốc gia về năng suất, phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau và có tính ổn định. Nhiều giống đột biến có tính kháng rầy nâu, đạo ôn, chống chịu với điều kiện bất lợi (phèn, nhiễm mặn) vượt trội so với giống gốc.

Với đặc điểm nổi bật của các giống lúa đột biến là khả năng thích nghi rộng, tính chống chịu cao trong điều kiện sinh trưởng khó khăn.

Ngành nông nghiệp của nhiều tỉnh Tây Nguyên đã và đang mở rộng việc sử dụng các giống lúa này cho các dự án phát triển kinh tế tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục