Tạo sinh kế bền vững cho dân khu mỏ vàng Ma Nu

Tạo sinh kế bền vững cho dân khu mỏ vàng Ma Nu

Không ruộng đất, không nghề nghiệp, cuộc sống của người dân nơi mỏ vàng Ma Nu vẫn trông chờ vào “vận may” của những lần “mót sái” vàng.

Mỏ vàng Ma Nu nằm trên địa phận hai xã Đức Vân và Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn. Đây là mỏ vàng lớn nhất tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên tình trạng khai thác vàng trái phép tràn lan trước đây đã làm cho nguồn tài nguyên này cạn kiệt dần.

Để bảo vệ mỏ vàng và giảm bớt dòng người các nơi đổ về khai thác trái phép, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã thuê hẳn một công ty bảo vệ ở đây , từ đó nạn khai thác vàng trái phép đã giảm. Tuy nhiên, tình trạng người dân địa phương đi “mót sái” vàng nhỏ lẻ vẫn diễn ra.

Thôn Khau Liêu thuộc xã Thượng Quan, có 47 hộ dân với 190 nhân khẩu trong đó có 45 hộ người Dao, nằm dọc theo tuyến đường được mở để các "bưởng" vào khai thác vàng trái phép trước đây. Con đường đất dẫn vào thôn gập ghềnh, lởm chởm đá.

Qua trạm bảo vệ ở đầu thôn, những nóc nhà nhỏ trông xơ xác hiện ra trước mắt chúng tôi. Căn nhà đẹp và vững chãi nhất ở đây có lẽ đó là điểm trường tiểu học và trung học cơ sở. Trưởng thôn Triệu Quang Trung cho chúng tôi biết: Thôn hiện nay còn 6 hộ nghèo do không có lao động chính. Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn lắm.

Người dân không có đất sản xuất, đất ở và đất vườn thì chưa được cấp sổ đỏ. Dân Khau Liêu chủ yếu sống bằng nghề “mót sái” vàng. Nhưng rồi vàng sa khoáng cũng cạn kiệt dần và bị cấm khai thác, nên những lúc rỗi rãi người dân chẳng biết làm gì. Cả thôn có 50 con trâu bò nhưng bãi chăn thả cũng bị thu hẹp nên giờ cũng ít gia đình chăn nuôi trâu, bò.

Có một thực tế là trước đây Khau Liêu luôn là “điểm nóng” của nạn khai thác vàng trái phép. Người dân khắp nơi đổ về đây để đào đãi vàng khiến cho tình hình an ninh trật tự rất phức tạp. Gia đình ông Bàn Văn Long có người người con trai đã chết do "dính" tệ nạn xã hội, bỏ lại cho hai ông bà 3 đứa cháu nhỏ. Hiện, toàn thôn có 5 người "dính" vào tệ nạn nghiện hút.

Trưởng thôn Triệu Quang Trung buồn rầu kể: "Tình hình an ninh trật tự nơi đây khá phức tạp, buổi tối người dân không dám ra ngoài. Dòng người đổ về khai thác vàng đã kéo theo các tệ nạn như ma túy, cờ bạc. Vừa qua công an huyện Ngân Sơn cũng đã triệt phá một vụ buôn bán ma túy khá lớn."

Do không có công việc ổn định nên người dân sống chủ yếu bằng nghề đào đãi vàng sa khoáng. Một ngày nếu chịu khó đào đãi họ cũng kiếm được vài phân vàng cám, đem bán đi cũng đủ mua gạo và thực phẩm. Tuy nhiên, số tiền kiếm được thường được họ tiêu hết ngay lập tức nên cuộc sống luôn khó khăn, thiếu thốn trăm bề.

Vào mùa mưa, suối có nước thì mới đãi vàng được. Mùa khô, người dân phải chui vào các hang sâu đào bới nên rất nguy hiểm. Công cụ đào đãi vàng lại rất thô sơ, chỉ gồm cái cào và lưới lọc, người phu vàng cứ thế đầm mình dưới suối hay hang sâu bất chấp nắng mưa và phó mặc tính mạng cho tử thần.

Do cuộc sống khó khăn nên chuyện học hành của trẻ em ở đây cũng khó khăn theo. Học sinh ở đây phải học theo các lớp ghép, gồm: 1 lớp ghép gồm lớp 3, 4, 5 và 1 lớp mầm non, 1 lớp ghép giữa lớp 1 và lớp 2, một lớp mẫu giáo. Còn khi lên trung học phổ thông thì học sinh phải ở trọ ngoài thị trấn, cách xa hàng chục km nên cũng chẳng mấy em mặn mà với chuyện học . Học sinh học hết trung học cơ sở thì ở nhà giúp đỡ gia đình hay theo người lớn đi đào đãi vàng.

Anh Triệu Văn Trung, 27 tuổi nhưng đã có 2 con, trông anh già so với tuổi của mình nhiều. Anh kể, trước đây anh cũng đã học lên cấp trung học phổ thông nhưng do đàn đúm với đám bạn nên anh vẫn chưa tốt nghiệp được, đành phải bỏ giữa chừng và giờ về đi đãi vàng kiếm sống. Anh cho biết thêm: "Cuộc sống của người đào đãi vàng vất vả và bạc bẽo lắm. Ngày may mắn thì kiếm đủ ăn, đủ mua gạo nhưng nhiều khi chơi cả tháng trời. Tiền kiếm được rồi cũng hết. Người dân không thể trông chờ mãi vào việc đào đãi vàng này được mà cần có 'cần câu cơm' lâu dài."

Không có ruộng nương để cấy lúa hay trồng trọt nên thực phẩm người dân trong thôn Khau Liêu phải mua từ bên ngoài vào, giá cả thường đắt hơn rất nhiều. Cả thôn không có chợ hay hàng tạp hóa lớn, chỉ có một gia đình bán lèo tèo vài thứ đồ thiết yếu.

Không ruộng đất, không nghề nghiệp ổn định, cuộc sống của người dân nơi mỏ vàng Ma Nu vẫn trông chờ vào “vận may” của những lần “mót sái” vàng. Huyện Ngân Sơn cũng đã có dự án di dời những hộ dân này vào một khu tái định cư, nhưng vì nhiều lý do mà dự án phải dừng lại và cuộc sống của người dân thôn Khau Liêu vẫn quanh quẩn với nơi “ăn không no, ngủ không yên” này.

Các cơ quan chức năng cần có giải pháp giúp người dân ở đây có đất đai để sản xuất và có nghề giúp người dân sinh sống ổn định và lâu dài, giúp họ thoát nghèo và không đào đãi vàng trái phép./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục