Tạo sức hút cho khu công, nông nghiệp công nghệ cao

Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch sẽ có 24 khu công nghiệp và 15 khu chế xuất, trong đó tập trung phát triển công nghệ cao.

Ngày 23/12, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc với Khu công nghệ cao và Khu nông nghiệp công nghệ cao của thành phố về tình hình thu hút đầu tư, phát triển và kế hoạch những năm tiếp theo.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho biết để có khu công nghệ cao như ngày nay với 38 doanh nghiệp lớn đang hoạt động, giá trị xuất khẩu đạt hơn 6.946 triệu USD, thành phố đã tận dụng tất cả các chính sách của Trung ương, cộng với chính sách của địa phương để tạo sức hút với nhà đầu tư công nghệ cao có tiếng của thế giới. Khu công nghệ cao ra đời ngoài nhiệm vụ thu hút đầu tư, nâng cao giá trị sản xuất đồng thời còn là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, thu hút những nhà khoa học giỏi từ nước ngoài.

Để phát huy vai trò khu công nghệ cao, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho biết thành phố quy hoạch sẽ có 24 khu công nghiệp và 15 khu chế xuất, trong đó tập trung phát triển công nghệ cao để hỗ trợ cho phát triển sản xuất khác, tăng hàm lượng chất xám trong từng sản phẩm.

Từ năm 2012-2013, khi phê duyệt dự án đầu tư vào khu công nghệ cao, thành phố đã yêu cầu nhà đầu tư phải có trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm tại Việt Nam. Các khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm của thành phố đang hướng tới mục tiêu không chỉ là sản xuất mà còn là môi trường cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

Trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho biết thời gian qua, Khu nông nghiệp công nghệ cao đã nghiên cứu, ứng dụng, thực nghiệm và trình diễn các mô hình sản xuất; phổ biến và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tới nông dân và doanh nghiệp; nhân giống và cung cấp cây giống, con giống chất lượng cao cho nông dân trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận... Với sự hỗ trợ của Khu nông nghiệp công nghệ cao, mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong GDP của thành phố nhưng tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp tăng gấp đôi cả nước.

Trước những kết quả đạt được của Khu công nghệ cao và Khu nông nghiệp công nghệ cao của thành phố, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đánh giá với thu nhập theo đầu người của thành phố 4.500 USD có thể coi là hơn hẳn cả nước, tuy nhiên phát triển công nghiệp vẫn ở mức độ chưa cao. Nếu trong nền công nghiệp, gia công chiếm tỷ trọng lớn thì ngành công nghiệp chưa đảm đương được vai trò phát huy nội lực của mình.

Để làm được điều này cần có các cơ chế, chính sách thu hút được trí tuệ, chất xám của các chuyên gia trong và ngoài nước, trong đó có các Việt kiều về tham gia nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ.

Đến cuối năm 2013, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh có 59 giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực với số vốn 2,2 tỷ USD, riêng năm 2013 thu hút 236,8 triệu USD, trong đó có 38 dự án hoạt động với giá trị xuất khẩu đạt 6.946,6 triệu USD.

Dự kiến, đến 2018, khu công nghệ cao sẽ cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng giai đoạn 2, thu hút 60 dự án công nghệ cao với tổng vốn 3 tỷ USD. Đến năm 2020, khu công nghệ cao thu hút và đào tạo khoảng 10.000 kỹ sư và những người làm công tác nghiên cứu, giá trị xuất khẩu đạt 20 tỷ USD.

Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh có tổng diện tích 88.17ha, đến nay đã thu hút 14 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng diện tích gần 56,5ha (chiếm 99% diện tích kêu gọi đầu tư), tổng vốn đầu tư hơn 450 tỷ đồng; suất đầu tư trung bình hơn 8 tỷ đồng/ha.

Hiện Khu nông nghiệp công nghệ cao tập trung vào các lĩnh vực: ứng dụng công nghệ cao trong chọn tạo, nhân giống, cây trồng có năng suất và chất lượng cao; công nghệ tế bào thực vật, công nghệ sinh học phân tử; công nghệ xử lý nông sản sau thu hoạch bằng nhiệt; sản xuất chế phẩm sinh học./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục