Tạo thuận lợi cho việc tiếp cận và sử dụng vốn tín dụng hiệu quả

Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đơn giản h​óa quy trình, hồ sơ, thủ tục vay vốn, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng nguồn vốn tín dụng hiệu quả.
Tạo thuận lợi cho việc tiếp cận và sử dụng vốn tín dụng hiệu quả ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh của Chủ tịch nước cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 26/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và chúc mừng tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập (6/5/1951​-6/5/2016) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 3.

Cùng dự có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; bà Victotia Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cùng các cán bộ Ngân hàng Nhà nước qua các thời kỳ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các đồng chí nguyên Tổng Bí thư: Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Diễn văn míttinh do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng trình bày tại Lễ kỷ niệm nêu rõ ngày 6/5/1951, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được thành lập theo Sắc lệnh số 15/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra trang sử vẻ vang, hào hùng của ngành Ngân hàng Việt Nam.

Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc, kịp thời của Nhà nước và Chính phủ, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được tập trung củng cố, đổi mới để thực hiện ngày càng tốt hơn, đúng đắn hơn vai trò của ngân hàng trung ương trong kinh tế thị trường, đồng thời làm tròn nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động tiền tệ​-tín dụng-ngân hàng.

Đến nay, sau khi thực hiện chương trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, toàn hệ thống đang có 7 ngân hàng thương mại Nhà nước, 28 ngân hàng thương mại cổ phần, 6 ngân hàng nước ngoài và 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 2 ngân hàng liên doanh, 1 ngân hàng hợp tác xã, 1.149 Quỹ Tín dụng nhân dân, 3 tổ chức tài chính vi mô và 27 tổ chức tín dụng phi ngân hàng; một Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) và một ngân hàng phát triển.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được thành lập và hoạt động theo Luật Bảo hiểm tiền gửi, để bảo vệ lợi ích của người gửi tiền.

Ngân hàng Nhà nước với vai trò Ngân hàng Trung ương đã có bước trưởng thành vượt bậc trong hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, thận trọng, phù hợp yêu cầu thực tiễn.

100% các ngân hàng thương mại đã quản lý giữ liệu tập trung COREbanking, phát triển ​Internet banking; home banking; số lượng máy chấp nhận thẻ (POS) trên toàn quốc có hơn 17.000 máy ATM và hơn 227​.000 POS được lắp đặt; số lượng thẻ phát hành đạt mức hơn 100,5 triệu thẻ...

Nhờ đó, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt đã được giảm dần, đến nay còn khoảng hơn 10% trên tổng phương tiện thanh toán.

Ngân hàng Nhà nước đã không ngừng củng cố quan hệ hợp tác với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như WB, IMF, ADB; tìm kiếm, mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng nhằm tăng cường huy động hỗ trợ cả về tài chính và kỹ thuật cho Việt Nam.

Những đóng góp của ngành Ngân hàng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý​ gồm Huân chương Sao vàng; hai Huân chương Hồ Chí Minh.

Các đơn vị N2683, B29 và C32 đã vinh dự được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trân trọng trao Huân chương Hồ Chí Minh (lần thứ 3) tặng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vì đã có những công lao to lớn, những thành tích đặc biệt xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng gửi tới các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã và đang công tác trong ngành Ngân hàng qua các thời kỳ lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập ngành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá thời gian vừa qua, ngành Ngân hàng tiếp tục đi tiên phong, không ngừng nỗ lực sáng tạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần kiểm soát lạm phát, điều hành linh hoạt lãi suất và tỉ giá, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý; đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu, từng bước thiết lập trật tự kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm an toàn hệ thống; tạo nền tảng phát triển bền vững thời gian tới.

Nhấn mạnh đến những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Ngân hàng cần tập trung thực hiện tốt thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực và hiệu quả chỉ đạo điều hành. Theo dõi, dự báo sát tình hình kinh tế trong và ngoài nước. Điều hành linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, ổn định thị trường ngoại tệ, giảm dần tiến tới chấm dứt tình trạng đôla h​óa, tăng dự trữ ngoại hối.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu quyết liệt, hiệu quả theo lộ trình và nâng cao chất lượng tín dụng; chủ động thực hiện hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền những quyết sách phù hợp về tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, giải phóng nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tập trung làm tốt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, đơn giản h​óa quy trình, hồ sơ, thủ tục vay vốn, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng vốn tín dụng hiệu quả.

“Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí, bảo đảm lãi suất cho vay phù hợp, tập trung vốn tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức đối thoại thường xuyên, thực chất với các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, khách hàng để cùng tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục