Tạp chí Time: Phương Tây chia rẽ sâu sắc trong quan hệ với Nga

Tạp chí Time nhận định chuyến thăm châu Âu lần cuối cùng của ông Barack Obama đã chứng tỏ rằng ở cả Washington lẫn các quốc gia châu Âu có sự chia rẽ mạnh mẽ trong vấn đề quan hệ với Nga.
Tạp chí Time: Phương Tây chia rẽ sâu sắc trong quan hệ với Nga ảnh 1Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO, Tướng Petr Pavel (trái) phát biểu tại cuộc họp Ủy ban quân sự NATO ở Brussels, Bỉ ngày 21/1. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Theo Sputnik, bài viết gần đây trên tạp chí Time nhận định chuyến thăm châu Âu lần cuối cùng của ông Barack Obama trên cương vị tổng thống Mỹ đã chứng tỏ rằng ở cả Washington lẫn các quốc gia châu Âu có sự chia rẽ mạnh mẽ trong vấn đề quan hệ với Nga.

Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump, truyền thông phương Tây viết rằng ông Obama đã "chuyển cây gậy tiếp sức" trong việc giải quyết quan hệ với Nga cho Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Tuy nhiên, trong thực tế, tình hình phức tạp hơn nhiều khi nước Đức không có ảnh hưởng lớn như Mỹ để có thể thống nhất phương Tây, đặc biệt sau sự kiện người dân Anh bỏ phiếu rời châu Âu (Brexit).

Kể từ khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý ở Anh, châu Âu đang ở trong "chế độ sống mòn."

Suốt ba năm cuối, chính sách của châu Âu đối với Nga gần như hoàn toàn rập theo khuôn khổ hợp tác giữa bà Merkel với Tổng thống Obama và Vương quốc Anh.

Bài viết có đoạn : "Nhưng với việc Vương quốc Anh rút khỏi liên minh châu Âu, ông Obama rời khỏi Nhà Trắng, bà Merkel sẽ phải thực hiện nhiều nỗ lực hơn nữa để giữ cho các đồng minh đang dao động duy trì chính sách cũ."

Bài viết kết luận, mặc dù trong cuộc họp tại Berlin, các nước châu Âu "nhất trí" tuyên bố tiếp tục chính sách trừng phạt Nga, nhưng nhiều quốc gia thành viên EU không đồng ý với điều này.

Đặc biệt là Hy Lạp, Italy, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Cyprus nhiều lần tuyên bố cần phải giảm bớt các biện pháp trừng phạt, vì điều đó chỉ gây tổn hại cho nền kinh tế châu Âu chứ không làm thay đổi chính sách của nước Nga.

Phần lớn những nước này phụ thuộc vào các khoản vay của EU, và đó là những gì giữ họ gần gũi với bà Merkel, nhưng vấn đề tài chính không phải là "phương cách lành mạnh nhất " để quản lý "gia đình châu Âu."

Trả lời phỏng vấn báo Le Monde, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tướng Petr Pavel đã bày tỏ quan tâm đến chính sách đối ngoại của Nga trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ông Pavel coi sự hiện diện của nhóm tàu sân bay Nga ở Địa Trung Hải chỉ là một sự biểu dương lực lượng và cho rằng Nga không cố gắng hiếu chiến, mà có ý định khôi phục hình ảnh thành viên có tính xây dựng trên trường quốc tế.

Theo ông Pavel, Nga đã có liên hệ với Mỹ để tránh những sự cố giữa quân đội hai nước.

Ngoài ra, Tướng Pavel thừa nhận rằng, không có bằng chứng cho thấy Nga đã cố gắng gây ảnh hưởng đến chiến dịch bầu cử tổng thống ở Mỹ với sự giúp đỡ của các tin tặc, vì Phương Tây không thể xác định được chính xác nơi xuất phát các cuộc tấn công mạng.

Bên cạnh đó, ông Pavel cũng tiết lộ rằng NATO đang cố gắng khôi phục quan hệ với Nga về chính trị và quân sự, thể hiện ở việc trong mấy tháng gần đây đã diễn ra hai phiên họp Hội đồng Nga-NATO./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục