Tập trung giải quyết nợ xấu, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng

Các đại biểu Quốc hội cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, một trong những giải pháp cần thiết là tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, giải quyết nợ xấu.
Tập trung giải quyết nợ xấu, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế Đặng Ngọc Nghĩa. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 25/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Các đại biểu cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, một trong những giải pháp cần thiết là tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, giải quyết nợ xấu. Việc Chính phủ trình ra Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là rất cần thiết, cần sớm được ban hành để giúp kinh tế phát triển.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế) phân tích theo báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017, tăng trưởng kinh tế hiện đạt 5,1%.

[Nợ xấu hiện nay không còn là “cục máu đông” mà trở thành “khối u”]

Chính phủ mới kiện toàn hơn một năm, trong đó người đứng đầu là Thủ tướng đã có nhiều giải pháp tích cực, thể hiện Chính phủ hành động, kiến tạo, dám nghĩ, dám làm, bước đầu đã đạt được hiệu quả, khởi sắc trên một số lĩnh vực, mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường tiếp xúc với các doanh nghiệp...

Tuy nhiên, mặc dù Chính phủ nhiệm kỳ mới rất nỗ lực nhưng đất nước ta phải chịu nhiều tác động, kể cả của thế giới.

Đồng tình với một trong những giải pháp của Chính phủ để phát triển kinh tế là tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, giải quyết nợ xấu, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa đề xuất trước hết cần rà soát, đánh giá lại tổng số nợ xấu này chính xác là bao nhiêu; đồng thời, tìm ra được nguyên nhân, phân tích, đánh giá lý do khách quan, chủ quan của tình trạng nợ xấu...

Đánh giá cao Chính phủ trình ra Quốc hội dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhận định đây là việc làm cần thiết, bởi nếu không giải quyết được tồn đọng tài chính, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế.

Nhấn mạnh giải quyết nợ xấu là vấn đề khó, phải thực hiện nhiều biện pháp, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ việc đưa ra Nghị quyết để xử lý nợ xấu là rất cần thiết, góp phần phát triển kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục