Tập trung mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là tập trung cao độ mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu GDP năm 2009 đạt khoảng 5%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là tập trung cao độ mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu GDP năm 2009 đạt khoảng 5%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động ngăn ngừa lạm phát quay trở lại, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6, diễn ra trong hai ngày 6 và 7/7, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các giải pháp kích cầu của Chính phủ, chủ động tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong sản xuất, kinh doanh; trong đó chú trọng tiêu thụ các loại sản phẩm hàng hoá cho nông dân; cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời với mở rộng thị trường nội địa. Các Bộ, ngành, địa phương phải tăng cường kiểm tra, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư; tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội.

Về công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế-xã hội, Thủ tướng chỉ rõ, các Bộ, ngành, địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo để có sự điều chỉnh kịp thời các chính sách kinh tế. Trong chỉ đạo phải đồng bộ, quyết liệt, có kiểm tra, đôn đốc; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và địa phương.

Tại phiên họp này, Chính phủ dành phần lớn thời gian nghe, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2009, dự báo và các giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm; đồng thời kiểm điểm sự chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2009 của Chính phủ.

Chính phủ thống nhất đánh giá 6 tháng đầu năm nền kinh tế mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng chỉ bị suy giảm, không rơi vào tình trạng khủng hoảng, suy thoái và đang có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Việc triển khai thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội đã đạt được những kết quả bước đầu, được sự đón nhận, đồng tình ủng hộ của toàn dân, cộng đồng doanh nghệp, các tổ chức chính trị, xã hội và các tổ chức quốc tế. Chính trị, xã hội tiếp tục ổn định.

Những khó khăn của sản xuất, giải quyết việc làm và đời sống nhân dân đang được tháo gỡ. Đáng chú ý là việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn, hoàn thuế đã giảm bớt một phần khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Chỉ số giá tiêu dùng dao động ở mức thấp, nhưng có xu hướng đang tăng lên.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, kinh tế-xã hội Việt Nam còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như tốc độ tăng trưởng GDP đạt thấp nhất trong nhiều năm qua (3,9% so với cùng kỳ năm 2008). Các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định. Việc huy động vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Vốn FDI đăng ký mới 6 tháng đầu năm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Do ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh và những tác động của suy thoái kinh tế, sản xuất bị thu hẹp, dẫn đến tình trạng thiếu việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống nhân dân.

Để đạt được các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009, trong đó có các mục tiêu và chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 (khoá XII), từ nay đến cuối năm, Chính phủ đã đề ra các nhóm giải pháp chủ yếu sau như thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích cầu, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.

Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư; khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư phát triển. Điều hành linh hoạt chính sách tài chính, tiền tệ, có các giải pháp kịp thời nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa tái lạm phát. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, bảo đảm kịp thời đúng đối tượng hỗ trợ. Tăng cường các biện pháp tổ chức thực hiện, điều hành tập trung, quyết liệt từ Trung ương đến tất cả các cấp, các ngành, địa phương. Tăng cường công tác thanh tra hướng vào việc thực hiện các chính sách kích cầu, ngăn chặn suy giảm kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục