Tập trung trấn áp tội phạm để dân đón Tết an toàn

Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các địa phương mở đợt cao điểm tấn công phòng chống tội phạm để nhân dân vui Xuân, đón Tết an toàn.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ yêu cầu ngay trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tất cả các địa phương trong cả nước mở đợt cao điểm tấn công phòng chống tội phạm để nhân dân vui Xuân, đón Tết thực sự an toàn, lành mạnh.

Ngày 25/1, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình phòng, chống tội phạm, tội phạm ma túy, mua bán người giai đoạn 2011-2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém cần khắc phục.

Theo Phó Thủ tướng, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, tội phạm có tổ chức, với tính chất manh động, sử dụng vũ khí nóng, cướp của giết người, đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, buôn bán người vẫn tồn tại ở một số địa phương, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Nguyên nhân của thực trạng này là sự vào cuộc của một số địa phương chưa quyết liệt, người dân chưa đồng lòng, sự phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm chưa tốt.

Theo Phó Thủ tướng, phòng, chống tội phạm phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân trong tố giác, đấu tranh chống tội phạm. Bên cạnh đó, các lực lượng chuyên trách phải có sự phân công rõ ràng, phối hợp chặt chẽ hơn, xác định trách nhiệm từng thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của các bộ ngành, địa phương. Nơi nào tội phạm hoành hành phải thay Trưởng Công an nơi đó, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang nêu rõ những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, công tác đảm bảo an ninh, trật tự đã được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả tích cực, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ kinh tế, xã hội và đối ngoại của đất nước.

Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Ban Chỉ đạo 138/CP đã tham mưu với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; tập trung chỉ đạo chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tội phạm môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao; nhiều vụ trọng án gây bức xúc trong dư luận xã hội đã được tập trung điều tra khám phá nhanh, đưa ra xét xử kịp thời, được dư luận nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Hội nghị đã nghiên cứu, quán triệt các văn bản quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012-2015, Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011-2015; Quyết định về việc sáp nhập Ban Chỉ đạo Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em và Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm thành Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ; Báo cáo của Bộ Công an về triển khai thực hiện 3 chương trình trên.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh, tội phạm trên địa bàn Thủ đô đã cơ bản được kiềm chế, không có ổ nhóm tội phạm gây nhức nhối trong nhân dân nhưng còn tiềm ẩn những vấn đề khó lường như tội phạm dùng vũ khí nóng, tội phạm ma túy, tội phạm xâm hại trẻ em... với tính chất manh động, hung hãn, gây bức xúc trong nhân dân.

Thành phố đã triển khai mô hình 141, thu được kết quả tốt, được nhiều địa phương áp dụng có hiệu quả, bước đầu đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Năm 2012, tội phạm trên địa bàn thành phố giảm 2,6% so với năm 2011, số vụ trọng án giảm gần 18%.

Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Phó Giám đốc Công an Đà Nẵng cho biết năm qua trên địa bàn thành phố không có ổ nhóm tội phạm xã hội đen, có tổ chức, quy mô lớn. Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập của công tác phòng chống tội phạm là công tác tuyên truyền chưa đồng bộ, thường xuyên, chưa tập trung vào đối tượng có nguy cơ cao, loại tội phạm mới phát sinh.

Theo Trung tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, 5 năm qua, với sự tập trung chỉ đạo của Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, công tác phòng, chống tội phạm đạt được kết quả quan trọng. Tình hình tội phạm cơ bản được kiềm chế, một số loại tội phạm nghiêm trọng đã giảm.

Qua 12 năm thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm (1998-2010), Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp, Tòa án Nhân dân các cấp đã truy tố, xét xử sơ thẩm 607.684 vụ án hình sự với 963.016 bị can, bị cáo. Giai đoạn 1996-2010, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 1.800 vụ, trên 3.000 đối tượng mua bán người. Thông qua điều tra các vụ mua bán người, cơ quan chức năng đã giải cứu gần 2.000 nạn nhân trong các vụ án và tiếp nhận 5.000 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng./.

Quang Vũ (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục