Tập tục đón năm mới đặc sắc của người Thụy Sĩ

Dân số chỉ vỏn vẹn 7,8 triệu người nhưng có tới 4 ngôn ngữ chính, tục đón năm mới của người Thụy Sĩ vô cùng phong phú và đa dạng.
Thụy Sĩ là một quốc gia nhỏ bé nằm ở Trung Âu với diện tích chỉ vỏn vẹn 41.284 km2 và dân số là 7,8 triệu người. Tuy nhiên, quốc gia này có tới bốn ngôn ngữ chính thức là Pháp, Đức, Italy và Romanche, và đặc biệt có tới 26 bang, mỗi bang có quyền tự chủ, ngân sách, quy định và luật pháp riêng. Chính vì vậy, tập tục đón năm mới của người Thụy Sĩ ở mỗi vùng cũng rất phong phú và đa dạng. Xin giới thiệu một số tập tục đón năm mới đặc sắc nhất của người Thụy Sĩ. Tập tục đập gỗ đón năm mới của người dân làng Hallwil Tập tục đập gỗ tiễn năm cũ và đón năm mới rất phổ biến tại bang Agrovie, Thụy Sĩ, vào khoảng những năm 1900. Tuy nhiên, ngày nay, nó chỉ còn tồn tại ở làng Hallwil thuộc bang Agrovie. Tập tục đập gỗ đón năm mới đòi hỏi người tham gia phải có sức khỏe, sự khéo léo và khả năng cảm thụ nhịp điệu. Ngoài ra, để có thể tham gia vào buổi lễ quan trọng này, người ta phải tập luyện và thực hiện thành thục các động tác đập gỗ trước lễ Noel. Nhịp điệu được sử dụng trong buổi lễ đập gỗ được rút ra từ các bài hát cổ của người xưa. Vào ngày 31/12 hàng năm, người làng Hallwil sẽ dựng một dàn củi lớn trên một quả đồi gần làng. Khi tiếng chuông từ tháp đồng hồ của làng điểm đủ 12 hồi chuông báo hiệu kết thúc năm cũ và bước sang năm mới cũng là lúc dân làng nhóm lửa cho dàn củi khổng lồ và tiến hành đập gỗ.
Tập tục đón năm mới đặc sắc của người Thụy Sĩ ảnh 1
Tập tục đập gỗ đón năm mới của người dân làng Hallwil.
(Nguồn: Présence Suisse)
Họ tiếp tục đập cho tới khi dàn củi bị cháy tự sụp xuống. Sau đó, toàn bộ dân làng cùng nhau tới các quán rượu thưởng thức đặc sản của làng, ăn mừng cho một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc. Theo các chuyên gia văn hóa, tập tục đập gỗ của người làng Hallwil mô phỏng lại động tác đập lúa mì để lấy hạt thuở xa xưa của người dân nơi đây. Tục rung chuông, thổi tù và đón năm mới ở Laupen Tục rung chuông (chuông đeo ở cổ bò tương tự như mõ châu ở Việt Nam) và thổi tù và để đón năm mới được gọi là Achetringele (Rung chuông) đã tồn tại từ lâu tại làng Laupen, thuộc bang Berne, Thụy Sĩ. Vào tối giao thừa 31/12 hàng năm, sau bữa tối, các trai làng sẽ tập hợp tại lâu đài Laupen. Những người tham gia sẽ mang mặt nạ gỗ, mặc áo da thú và vác theo một cái chổi khổng lồ làm từ cây bách xù dài tới 5m.
Tập tục đón năm mới đặc sắc của người Thụy Sĩ ảnh 2
Tục rung chuông, thổi tù và đón năm mới ở Laupen.
(Nguồn: Présence Suisse)
Đoàn diễu hành sẽ đi chậm, theo sau là các bé học sinh mặc áo ngủ màu trắng, đội mũ chóp nhọn, mỗi bé mang theo một cái chuông bò và rung chuông theo mỗi bước đi. Tới thời khắc giao thừa, người dẫn đầu đoàn diễu hành sẽ tuyên bố bắt đầu thời điểm của năm mới và cầu chúc một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc đến với mọi người dân trong làng. Tiếp đó là tiếng hú của đoàn người diễu hành và tiếng chuông lại tiếp tục được ngân lên cùng đoàn người chào đón một năm mới an lành. Tục đón năm mới tại Urnash Từ tối 31/12 tới sáng 1/1 hàng năm, người dân làng Urnash, Appenzell thường nhận được những lời chúc tụng năm mới an lành và được hát tặng những bài hát truyền thống vui nhộn từ những vị khách hết sức dễ thương, đó là các Silvesterchlause.
Tập tục đón năm mới đặc sắc của người Thụy Sĩ ảnh 3
 Các Silvesterchlause chúc tết người dân làng Urnash.
(Nguồn: Présence Suisse)
Silvesterchlause là các thanh niên nam nữ trong làng mặc các trang phục truyền thống, đeo mặt nạ và đội những chiếc mũ rộng vành rất cầu kỳ hoặc cũng có người lại mặc lên mình những bộ quần áo làm từ cành cây thông và lá khô hay là những nam thanh niên mặc đồ phụ nữ khoác quanh mình những chiếc chuông.
Tập tục đón năm mới đặc sắc của người Thụy Sĩ ảnh 4
Các Silvesterchlause mặc quần áo làm từ cành cây thông và lá khó.
(Nguồn: Présence Suisse)
Họ đi hết nhà này tới nhà khác trong làng để chúc tết và hát những bài hát truyền thống của người dân miền núi Thụy Sĩ. Cảm kích trước tấm lòng của các Silvesterchlause chủ nhà thường mời họ ăn uống, tuy nhiên, họ chỉ có thể thưởng thức đồ uống bằng các ống hút mà thôi./.
Đức Hùng/Geneva (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục