Taxi sẽ phải “gắn” hộp đen và in hóa đơn tính tiền cước

Từ ngày 1/7/2015, xe taxi phải gắn thiết bị giám sát hành trình đồng thời đến năm 2016 phải có thiết bị in hoá đơn kết nối với đồng hồ đếm cước
Taxi sẽ phải “gắn” hộp đen và in hóa đơn tính tiền cước ảnh 1Xe taxi sẽ tiến tới lắp hộp đen và in hóa đơn tiền cước. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải vừa đề xuất từ ngày 1/7/2015, xe taxi phải gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) để doanh nghiệp kinh doanh và Nhà nước dễ dàng quản lý đồng thời đến năm 2016 trên loại phương tiện này phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ đếm cước để lái xe tính tiền và trả cho hành khách nhằm loại bỏ taxi “dù”.

Đề xuất trên được đưa ra tại dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô (lần 3) của Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến góp ý từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân trong cả nước.

Theo dự thảo, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có hành trình và lịch trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền căn cứ vào Km xe lăn bánh, thời gian chờ đợi; xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 8 năm.

Bên cạnh đó, taxi phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe; hộp đèn phải được bật sáng khi xe không có khách và tắt khi trên xe có khách.

Ngoài ra, tại dự thảo này, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị Chính phủ giao Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng quy hoạch phát triển vận tải khách bằng xe taxi; quản lý hoạt động vận tải bằng taxi, xây dựng và quản lý điểm đỗ cho xe taxi trên địa bàn.

Cụ thể, Ủy ban Nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương quy định về đăng ký màu sơn thống nhất cho xe taxi của từng doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. Đặc biệt, đến năm 2016, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh khác quy định về đăng ký màu sơn thống nhất cho xe taxi của từng Doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.

Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương có quy định màu sơn cho xe taxi thì đơn vị kinh doanh vận tải phải đăng ký màu sơn và thực hiện theo quy định của Uỷ ban Nhân dân thành phố.

Nhằm loại bỏ và hạn chế bớt số lượng các đơn vị không đủ điều kiện để cấp phép kinh doanh taxi, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cần quy định số lượng xe taxi tối thiểu mà mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã phải có (không dưới 10 xe và không quá 100 xe) khi kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn.

Liên quan đến đề xuất này, tại góp ý dự thảo lần 2, Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam đề nghị, chỉ nên khuyến khích việc in hóa đơn tính tiền. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ, theo kinh nghiệm quản lý của các nước, trước tình hình thực tế về nạn taxi “dù” và những vi phạm của lái xe taxi vừa qua, để chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách bằng taxi nên vẫn giữ nguyên như dự thảo.

Theo đánh giá của ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội, lắp đặt hội đen và in hóa đơn tiền cước là việc làm rất cần thiết, vừa thuận lợi cho cơ quan chức năng vừa thuận tiện cho hành khách đi taxi bởi nếu có trục trặc gì xảy ra như quên đồ đạc, bị bắt chẹt tiền cước, vừa hạn chế được tình trạng taxi “dù” hoạt động.

Phản biện trước ý kiến nhiều doanh nghiệp taxi lại phản đối việc lắp đặt đồng hồ in cước phí với lý do tốn kém, ông Liên bày tỏ quan điểm: “Tôi đã khảo sát thực tế, để lắp đặt một chiếc đồng hồ in cước kinh phí không nhiều nhưng niên hạn sử dụng có thể lên tới 5-10 năm. Hơn nữa, phần phí này thì doanh nghiệp cũng tính vào người tiêu dùng chứ đơn vị kinh doanh đâu có chịu thiệt thòi.”

Đồng tình quan điểm này, ông Trần Quốc Khải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Taxi Nội Bài cho rằng, hãng đã thực hiện việc lắp đồng hồ tính cước từ lâu dù Nhà nước chưa quy định.

“Doanh nghiệp thấy việc lắp đặt mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác quản lý và điều hành như việc chống các lái xe gian lận, thể hiện sự minh bạch giữa khách hàng với với lái xe. Khi lắp đặt hệ thống GPS, các hãng taxi sẽ khoanh vùng khách hàng để điều hành xe taxi chống lãng phí nguyên liệu hoặc nếu lái xe phục vụ không tốt, lấy giá tiền sai lệch thì khách hàng sẽ phản ánh về doanh nghiệp,” ông Khải nhìn nhận.

Tuy nhiên, đại diện hãng Taxi Vạn Xuân cho biết, việc in biên lai cước phí là cần thiết song đó không thể coi là hóa đơn, còn yêu cầu biên lai thể hiện điểm đi và điểm đến thì rất khó vì hệ thống định vị không tương thích tức thời với xe taxi.

Bên cạnh đó, theo ông Đỗ Xuân Hoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, trong dự thảo quy định hộp đèn phải bật sáng khi xe không có khách là không cần thiết vào ban ngày. Ngoài ra, thiết bị in hóa đơn có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi thanh quyết toán thuế nếu cơ quan thuế dựa vào biên lai để tính thuế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục