Taxi Uber bị tố gây rối loạn thị trường, hai Bộ bất đồng về quản lý

Bộ Giao thông Vận tải khẳng định không có cơ sở pháp lý để kiểm tra việc tuân thủ đầy đủ các quy định về kinh doanh vận tải hành khách đối với các dịch vụ vận tải được cung cấp qua sàn giao dịch Uber.
Taxi Uber bị tố gây rối loạn thị trường, hai Bộ bất đồng về quản lý ảnh 1Uber hiện không chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước về ứng dụng thương mại điện tử. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau một thời gian hoạt động thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, các xe sử dụng phần mềm kết nối Grabcar, V-Car cho thấy, hệ số sử dụng quãng đường (số km có khách tính bình quân cho 100km xe lăn bánh) đều chiếm tỷ lệ rất cao khoảng 62% đến xấp xỉ 90%, giảm tỷ lệ xe chạy rỗng và ùn tắc giao thông, tiết kiệm nhiên liệu.

Ngoài các đơn vị trên được phép hoạt động thí điểm theo pháp luật, Công ty Uber B.V. Hà Lan hiện không chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước về ứng dụng thương mại điện tử.

Cơ quan nào quản lý Uber?

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, hiện Việt Nam chỉ mới có 3 ứng dụng công nghệ kết nối hành khách với lái xe được phép hoạt động thí điểm, đó là GrabCar của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grab Việt Nam, V-Car của Công ty Cổ phần Ánh Dương (Vinasun) và Thanh Cong Car của Công ty Cổ phần Vận tải 57 Hà Nội.

Ngoài việc phải lập đề án thí điểm để trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, các Công ty nói trên còn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký với Bộ Công thương theo quy định của pháp luật.

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ, trường hợp phần mềm kết nối được cung cấp xuyên biên giới của Công ty Uber B.V. Hà Lan, trong 2 năm qua Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần làm việc với đại diện của Uber để trao đổi, hướng dẫn Uber xây dựng Đề án gửi Bộ Giao thông Vận tải xem xét cho phép hoạt động thí điểm theo đúng các quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan vẫn chưa nhận được Đề án hoạt động thí điểm của Uber như đã hướng dẫn. Điều đó đồng nghĩa với việc, Công ty Uber B.V. Hà Lan hiện cũng không chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước về ứng dụng thương mại điện tử.

Giải thích về lý do này, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tại Nghị định 52 và Thông tư 59 chỉ áp dụng đối với các website, ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam (hiện diện thương mại hoặc đăng ký tên miền Việt Nam).

Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải không có cơ sở pháp lý để kiểm tra và đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định về kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách đối với các dịch vụ vận tải được cung cấp qua sàn giao dịch thương mại điện tử của Uber.

Tuy nhiên, ngày 24/8, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn thu thuế Uber, trong đó xác định dịch vụ phần mềm kết nối giữa lái xe và hành khách sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng theo mức thuế suất 3%, như đối với dịch vụ vận tải.

Tại Hội nghị, đại diện Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận, việc ban hành công văn hướng dẫn thu thuế Uber, không đồng nghĩa với Công ty này đã được cấp phép tham gia đề án thí điểm, đó là hai vấn đề khác nhau.

Theo báo cáo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn GrabTaxi, kinh doanh phần mềm kết nối của đơn vị này hiện nay đang được cơ quan thuế xếp loại là dịch vụ khoa học công nghệ và chịu mức thuế giá trị gia tăng là 5%.

Bên cạnh đó, đại diện các đơn vị triển khai Đề án thí điểm thừa nhận, hướng dẫn thu thuế đã gây tác động tiêu cực đối với những đơn vị tham gia thí điểm trong việc kê khai và nộp thuế đối với Nhà nước vì theo Luật Giao thông đường bộ, dịch vụ phần mềm kết nối giữa lái xe và hành khách không được coi là dịch vụ hỗ trợ vận tải, cũng như là dịch vụ vận tải.

Uber gây rối loạn thị trường?

Về hiệu quả thực tế Grab, trung bình hành khách cần chờ khoảng 5 phút sau khi sử dụng phần mềm Grab để đặt xe. Ngoài ra, Grab cho hệ số sử dụng quãng đường (tỉ lệ giữa số km có khách trên xe so với 100km xe lăn bánh) khá cao, tại Hà Nội là 88,1% và Thành phố Hồ Chí Minh là 89,6%.

Đối với ứng dụng V-Car, theo báo cáo của Công ty Cổ phần Ánh Dương, thời gian tới nới đón khách bình quân là 3 phút, hệ số sử dụng quãng đường (số km có khách trên xe so với 100km xe lăn bánh) tại Thành phố Hồ Chí Minh là 62,3%, mặc dù còn thấp nhưng cao hơn 10% so với xe taxi truyền thống.

Theo ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở đã tiến hành thanh tra với đối tượng là xe hợp đồng dưới 9 chỗ, lập biên bản 263 trường hợp vi phạm, với số tiền xử phạt là gần 900 triệu đồng.

Taxi Uber bị tố gây rối loạn thị trường, hai Bộ bất đồng về quản lý ảnh 2Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh lập biên bản xử phạt các lái xe sử dụng phần mềm Uber. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, ông Minh cho rằng, hiện nay việc kiểm tra, xử lý cụ thể đối với từng trường hợp vi phạm đòi hỏi phải có bản tường trình, sự hợp tác của hành khách khi đi xe. Tuy nhiên, do tâm lý sợ phiền hà nên khi lực lượng chức năng kiểm tra, tài xế đối phó bằng cách trình bày đây là xe chở gia đình, bạn bè…

Để tăng cường hiệu quả cho công tác kiểm tra xử lý của các cơ quan chức năng, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, cơ quan quản lý Nhà nước cần có hình thức nhận biết các loại hình phương tiện này. Đơn cử như, Grab đã có logo, còn những phần mềm khác như Uber thì khó nhận biết đồng thời cũng cần tăng nặng, phạt cao đối với các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm để tăng tính răn đe.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Ánh Dương kiến nghị các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp nhằm "triệt tiêu việc dùng phần mềm bất hợp pháp để hút hành khách, làm tăng lượng 'xe mù,' gây rối loạn thị trường như Uber."

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh đã làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với những phương tiện không đúng quy định. Tổng cục đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội có những phối hợp mạnh mẽ hơn để thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ.

Ngoài ra, Tổng cục cũng đề nghị Cục Cảnh sát Giao thông chỉ đạo Cảnh sát Giao thông các thành phố phối hợp với các cơ quan có liên quan để thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thật hiệu quả.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung chỉ đạo Thanh tra Bộ và Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố tham gia thí điểm phối hợp với lực lượng Công an, cơ quan Thuế, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; đặc biệt đối với các trường hợp sử dụng phần mềm không đúng quy định để điều hành vận tải, không chấp hành các quy định về thuế, ngang nhiên coi thường pháp luật.

Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các website, ứng dụng di dộng cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử trong lĩnh vực vận tải hành khách theo hợp đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục