Bài 1: Đi Uber có thực sự rẻ như những gì người ta vẫn tưởng?

Taxi Uber và những góc khuất của “ông trọc đầu” ở trời Tây

Đi Uber có rẻ như người ta vẫn nghĩ bấy lâu không? Câu hỏi này nếu đặt ở thời điểm khác có lẽ nhiều người chẳng ngần ngại gật đầu.
Taxi Uber và những góc khuất của “ông trọc đầu” ở trời Tây ảnh 1Hành khách gọi xe thông qua ứng dụng phần mềm của Uber. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Uber tới Việt Nam vài năm trước mang theo dịch vụ đi nhờ ôtô khiến người Việt dù khó tính tới mấy cũng ít nhiều phải gật đầu công nhận: Tốt và rẻ. Rẻ thì đương nhiên bởi với mức giá khoảng 5.000 đồng/km và “mưa” mã khuyến mãi, taxi truyền thống rõ ràng nên bị lãng quên.

Còn với “tốt,” có lẽ cũng có phần cảm tính nhưng chẳng ai phủ nhận, những chiếc xe được Uber chọn đều thơm phức, mới… coong chứ không xập xệ như nhiều hãng taxi. Bởi vậy, cũng dễ hiểu khi người Hà Nội đã có một thời sốt Uber, còn cánh lái xe thì tranh nhau… đầu quân.

Lẽ thường tình, cái gì mới và khác biệt sẽ bị mổ xẻ. Uber cũng vậy, khen có, chê cũng không thiếu. Thời điểm ấy, tính pháp lý của Uber là một trong những vấn đề nóng nhất được đặt ra và câu hỏi là làm sao quản “ông trọc đầu” ở tít tận trời Tây.

Bẵng đi vài năm, mới đây, lại có tin vể Uber với câu chuyện được xới lại: Quản lý Uber như thế nào. Chuyện là, đầu năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải đã “lắc đầu” với đề án của Uber vì cho rằng quá sơ sài. Đây không phải là lần đầu Uber bị bác đề án vì lý do tương tự.

Tới lúc này, nhiều người mới đặt ra câu hỏi: Vì sao một đơn vị đã vài năm xuất hiện ở Việt Nam vẫn một mình một ngựa, mặc cho mô hình tương tự đã chấp hành đúng yêu cầu của cơ quan chức năng từ lâu. Sự “láu cá” là cách một chuyên gia đã ví von khi nói về Uber. Thế nhưng, sự láu cá ấy không chỉ đơn giản ở khâu làm đề án, câu chuyện thực tế nhiều ngóc ngách hơn thế. Và, quan trọng, người dùng không phải ai cũng để ý những góc khuất ấy.

Bài 1: Đi Uber có thực sự rẻ như những gì người ta vẫn tưởng?

Đi Uber có rẻ như người ta vẫn nghĩ bấy lâu không? Câu hỏi này nếu đặt ở thời điểm khác có lẽ nhiều người chẳng ngần ngại gật đầu. Thế nhưng, thử tìm hiểu kỹ hơn, trả lời là “Có” hay “Không” sẽ không còn đơn giản vì có hơn một ví dụ có thể khiến nhiều người giật mình.

Đi thẳng, tính tiền hình chữ U

Tìm hiểu về Uber thời gian gần đây, chúng tôi nhận được không ít phản ánh về việc cách tính cước của hệ thống này, đặc biệt là khi Uber áp dụng cách tính giá trước dựa trên việc ước lượng trước khoảng cách giữa điểm đến và đi. Số tiền ước lượng khách hàng phải trả sẽ hiển thị ngay khi người dùng chọn điểm đi, đến.

Cách làm này thoạt nghe có thể được lòng người dùng nhưng thực tế, việc ước lượng như thế nào để ra giá tiền mới là quan trọng.

Taxi Uber và những góc khuất của “ông trọc đầu” ở trời Tây ảnh 2Quãng đường xe đi thực tế (màu đỏ) là đường thẳng, ngắn hơn đoạn đường vòng hệ thống của Uber tính tiền (đường màu đen). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chị Hoa, nhà ở Hồ Tùng Mậu (Cầu giấy – Hà Nội) - thường di chuyển bằng Uber tuyến Xuân Thủy – Hồ Tùng Mậu và ngược lại - khẳng định, cách tính tiền của Uber có vấn đề.

“Giá tiền hệ thống ước lượng dựa trên quãng đường lòng vòng,” chị nói.

Thử nghiệm đặt điểm đi tại 36 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội và điểm đến là 131 Hồ Tùng Mậu, người dùng có thể nhận được ước giá cước là 23.000 đồng.

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, người ta sẽ thấy, số tiền trên ước lượng dựa trên quãng đường khá vòng vèo từ Xuân Thủy, rẽ ra phố Trần Quốc Vượng, vòng lại Phạm Hùng, sau đó mới tới Hồ Tùng Mậu, tức là gần như hình chữ… U. Trong khi ấy, thực tế, Xuân Thủy và Hồ Tùng Mậu là hai tuyến phố gần như tăm tắp trên một đường thẳng.

Để ý màn hình điện thoại của tài xế, chúng tôi nhận thấy, chỉ đường của Uber với lái xe cũng lòng vòng tương tự. Đặt thắc mắc với người lái xe, chính người này cũng không giải thích rõ cách chỉ đường của Uber nhưng khẳng định, bản thân ông chỉ đi con đường ngắn nhất và theo yêu cầu của khách hàng. Và tất nhiên, nói là làm, ông lái xe đi thẳng đường Xuân Thủy, qua gầm cầu vượt Mai Dịch và tới Hồ Tùng Mậu.

Cách tính giá trước đã được Uber đưa ra từ năm ngoái và thông thường, phần mềm luôn gán vào thông điệp có đại ý: Số tiền có thể thay đổi nếu người dùng thay đổi điểm đến hoặc di chuyển đường tắt.

Tuy vậy, quay trở lại quãng đường mà phóng viên VietnamPlus thí nghiệm đi từ Xuân Thủy và Hồ Tùng Mậu. Rõ ràng, quãng đường đi thực tế ngắn hơn so với ước lượng ban đầu nhưng khi xuống xe, hệ thống của Uber vẫn báo số tiền không hề thay đổi: 23.000 đồng.

Điều đó có nghĩa, quãng đường di chuyển thực tế ngắn hơn chỉ dẫn ban đầu của Uber, người dùng đáng lẽ chỉ phải trả số tiền ít hơn ước lượng ban đầu nhưng phải rút ví nhiều hơn thế.

Nhận thấy điều này nhưng chị Hoa thừa nhận, do quãng đường chị đi không quá xa nên bản thân chị chưa khiếu nại gì với phía Uber. Quan trọng hơn là theo chị, quãng đường Xuân Thủy lâu nay cấm taxi nên nếu không gọi Uber, chị phải cuốc bộ quãng đường khá xa để bắt được xe nên chị vẫn chấp nhận sử dụng hình thức di chuyển này.

Vỡ mộng giá rẻ

Cách tính tiền kỳ lạ của Uber không chỉ ở việc ước lượng quãng đường, cách tính tiền “khi trầm khi bổng” cũng khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu.

Có thể giải thích ngắn gọn là, khi nhiều người cùng đặt Uber trong khi lượng xe có hạn, giá tiền để bạn tài xế tới đón bạn sẽ cao hơn thường lệ. Mức cước có thể gấp 3-4 lần bình thường, tùy nhu cầu người dùng tại thời điểm gọi xe.

Taxi Uber và những góc khuất của “ông trọc đầu” ở trời Tây ảnh 3Khi nhiều người cùng đặt Uber trong khi lượng xe có hạn, giá tiền sẽ cao hơn thường lệ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy vậy, cách tính này đã khiến nhiều người đặt câu hỏi vì số tiền “nhảy” khá loạn. Vấn đề này thực tế đã được nhiều thành viên của các diễn đàn trên mạng xã hội mang lên mổ xẻ. Có thành viên của diễn đàn otofun thậm chí còn làm một thí nghiệm, đặt 2 điện thoại cạnh nhau, cùng ấn gọi Uber một quãng đường nhưng giá tiền chênh lệch nhau rõ ràng.

Chưa nói tới việc video clip truyền tay nhau trên mạng xã hội là đúng hay không nhưng với anh Trần Duy Nam, nhà ở phố Trần Thái Tông thì đây là câu chuyện thực anh đã gặp.

“Có lần tôi gọi Uber từ cơ quan về nhà tầm chiều tối, khoảng 8 cây số, tôi giật mình thấy giá tiền bị đẩy lên hơn 140.000 đồng. Tưởng bị lỗi, tôi chọn lại điểm đến thì thấy giá tiền tụt về dưới 100.000 đồng,” anh Nam nói.

Tìm hiểu sau đó, anh Nam có nắm được cách tính tiền theo giờ cao điểm của Uber. Tuy nhiên, điều làm anh thắc mắc là chỉ cách nhau vài giây nhưng số tiền chênh lệch khá lớn và “chả lẽ nhu cầu của người dùng mỗi giây lại tăng, tụt nhanh như thế.”

Câu hỏi anh đặt ra còn là, ai kiểm chứng được những lúc được gọi là cao điểm, Uber “sốt” xe thực hay không.

“Có thể, họ không đẩy giá tất cả với lệnh đặt xe của người dùng mà chọn ngẫu nhiên. Như thế, vừa tránh lời ra tiếng vào lại thu thêm được tiền của người dùng,” anh Nam nhận xét.

Có cái nhìn khá tỉnh táo, anh Ngọc (ngõ 117, Phúc Xá, Ba Đình) nêu quan điểm, việc Uber báo giá cao thực chất cũng chỉ là chuyện “thuận mua, vừa bán.” Nghĩa là, Uber đưa ra 1 mức giá, nếu bạn chấp nhận thì chọn dịch vụ và trả tiền, không thì thôi.

“Kinh doanh thì tất nhiên ai cũng có cách để kiếm lời, và không phải cái gì cũng công bố hết. Uber cũng thế. Bởi thế nên mọi người đừng quá mong chờ, tự mình phải tỉnh táo, vì có khi xe giá rẻ nhưng không rẻ như mình tưởng,” anh Ngọc nói./.

Bài 2: Vỡ mộng làm giàu từ Uber, dùng chiêu kiếm thêm thu nhập

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục