"Tây Bắc cần tận dụng thế mạnh nông-lâm để xóa đói"

Ngày 16/7, tại Bắc Kạn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ đối với vùng Tây Bắc, muốn xóa đói-giảm nghèo phải đi từ nông-lâm nghiệp.
Ngày 16/7, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm nay, tại tỉnh Bắc Kạn.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đại biểu tham dự cần tập trung vào những vấn đề lớn, thiết thực đang đặt ra cho toàn vùng với các đề xuất và giải pháp khả thi.

Thảo luận về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Tây Bắc xác định tiếp tục tập trung đôn đốc, chỉ đạo triển khai các nghị quyết của Đảng, của đại hội đảng bộ các cấp về phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng liên quan đến vùng Tây Bắc. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, mỗi tiểu vùng; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương; tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị các cấp, nhất là hệ thông chính trị cơ sở...

Ngoài thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Hội nghị đã nghe, tiến hành thảo luận các báo cáo chuyên đề về những vấn đề cấp bách hiện nay như báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải về kế hoạch phát triển giao thông vận tải vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về thực trạng và giải pháp phát triển lâm nghiệp vùng Tây Bắc đến năm 2020; báo cáo của Bộ Lao động  hương binh và Xã hội về kết quả chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện nghèo thuộc Ban Chỉ đạo Tây Bắc; báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình quản lý, khai thác khoáng sản và giải pháp trong thời gian tới tại vùng Tây Bắc; báo cáo của Bộ Y tế về công tác phòng chống HIV/AIDS trong giai đoạn hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nhận định rằng thực tế so với Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, vùng Tây Bắc vẫn còn kém về hạ tầng giao thông. Tại Hội nghị lần này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp thu các ý kiến của các địa phương, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục hoàn chỉnh đề án phát triển các công trình giao thông vận tải trọng điểm trong khu vực, thực hiện chiến lược phát triển giao thông nông thôn, tạo ra bước phát triển đột phá về giao thông trong vùng.

Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Kạn Nguyễn Xuân Cường cho biết những năm qua, tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế luôn duy trì mức tăng trưởng khá. Năm 2011, GDP tăng 13%, lương thực bình quân đầu người đạt 568kg; thu nhập bình quân đầu người đạt 14,6 triệu đồng, tăng 22,6% so với năm 2010; diện tích rừng trồng mới đạt 14.544ha rừng, vượt 21% so với kế hoạch.

Tuy vậy, Bắc Kạn vẫn là tỉnh khó khăn nhất trong vùng Tây Bắc cũng như trong cả nước. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao nhưng nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ lẻ, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh còn thấp; mức tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ, du lịch chưa tương xứng với tiềm năng. Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, lâm sản còn nhiều yếu kém; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là về giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu, các lĩnh vực xã hội còn nhiều bất cập, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với cả nước, đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ đối với vùng Tây Bắc, muốn xóa đói-giảm nghèo phải đi từ nông-lâm nghiệp. Do đó, các địa phương cần tập trung phát triển lâm nghiệp theo đặc trưng của từng vùng. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, an ninh- quốc phòng trong khu vực; tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị các cấp.

Đề cập đến vấn đề đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kinh tế của vùng Tây Bắc, nhất là giao thông nông thôn, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục cố gắng tìm mọi nguồn lực để tập trung phát triển giao thông nông thôn của vùng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tháo gỡ khó khăn trong sử dụng đất nông nghiệp; các địa phương bám sát tình hình cơ sở, phối hợp với các bộ, ngành có giải pháp ổn định đời sống, an sinh xã hội trong khu vực./.

Hoàng Nam (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục