Tây Ban Nha, Italy bị tác động nặng nhất từ Hy Lạp

Tất cả các nước Eurozone đều đối mặt với căng thẳng do khủng hoảng nợ của Hy Lạp nhưng Tây Ban Nha và Italy chịu tác động mạnh nhất.
Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha Elena Salgado khẳng định Tây Ban Nha và Italy là hai nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng nợ chủ quyền của Hy Lạp, nhưng Tây Ban Nha không cần tới cứu trợ tài chính như một số nước trong Eurozone.

Trả lời phỏng vấn trên Đài Truyền hình TVE, Bộ trưởng Salgado cho biết so với trái phiếu của Đức được coi là loại hình an toàn, phí rủi ro đối với trái phiếu của Tây Ban Nha đang gia tăng trong bối cảnh tình hình cực kỳ căng thẳng.

Tất cả các nước Eurozone đều đang đối mặt với tình hình căng thẳng, nhưng Tây Ban Nha và Italy đang chịu tác động mạnh nhất.

Chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu 10 năm của Tây Ban Nha và Đức đã lên tới 2,814 điểm phần trăm trong phiên 27/6 và đang cận kề mức chênh lệch 2,83 điểm phần trăm của hôm 30/11/2010, thời điểm các thị trường hoảng loạn trước khả năng không thể trả nợ của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Bộ trưởng Salgado nói thêm tình hình căng thẳng hơn có thể đẩy chênh lệch vượt mức 3 điểm phần trăm, nhưng Chính phủ Tây Ban Nha không gặp khó khăn trong việc huy động vốn trên các thị trường nợ.

Tây Ban Nha có khả năng tự tài trợ hiệu quả và nhu cầu mua trái phiếu chính phủ luôn vượt cung tới 4 lần. Bởi vậy Tây Ban Nha không và sẽ không bị đẩy tới bờ vực cần tới cứu trợ tài chính.

Tính đến cuối quý 1 năm nay, nợ công của Tây Ban Nha đã lên tới 679,87 tỷ euro (970 tỷ USD), tương đương 63,6% GDP, tăng so với tỷ lệ 55% GDP cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất kể từ năm 1988.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ/GDP của Tây Ban Nha vẫn tương đối thấp so với tỷ lệ trung bình 85,1% của 17 nước thành viên đứng ở mức 85,1% vào cuối năm 2010 và còn kém xa Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, ba nước đã phải cầu cứu tài chính từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU).

Bà Salgado cũng bác bỏ việc so sánh Tây Ban Nha với ba nước Eurozone đã phải nhận cứu trợ chung của IMF/EU. Bà nhấn mạnh: "Chúng tôi không gặp khó khăn như Ireland và ngành tài chính của họ hoặc khó khăn như Hy Lạp với thâm hụt mà Chính phủ không hề tiết lộ hay cả khó khăn của Bồ Đào Nha với kinh tế tăng trưởng chậm trong nhiều năm và xuất khẩu yếu"./.

Hoàng Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục