Tây Ban Nha lần đầu tiên đạt thặng dư thương mại

Bộ Kinh tế Tây Ban Nha thông báo nước này đã đạt thặng dư thương mại lần đầu tiên kể từ năm 1971 do nhập khẩu giảm mạnh.
Ngày 17/5, Bộ Kinh tế Tây Ban Nha thông báo nước này đã đạt thặng dư thương mại lần đầu tiên kể từ năm 1971 do nhập khẩu giảm mạnh trong bối cảnh suy thoái và thất nghiệp cao kỷ lục.

Thặng dư trong tháng 3 vừa qua của nền kinh tế lớn thứ tư Khu vực đồng euro (Eurozone) lên tới 634,9 triệu euro (817 triệu USD), so với mức thâm hụt 3,245 triệu euro một năm trước đó.

Số liệu của Bộ Kinh tế cho biết kim ngạch nhập khẩu trong tháng 3 giảm 15% so với một năm trước, đạt 19,653 tỷ euro, trong khi nhập khẩu tăng 2% lên 20,288 tỷ euro. Kim ngạch xuất khẩu sang các đối tác Liên minh châu Âu (EU) giảm 8,1% trong tháng 3, số liệu phản ánh rõ nền kinh tế suy yếu của khu vực.

Ngược lại, xuất khẩu sang các nước ngoài EU tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 41,47% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 3.

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái sâu, ngân sách nhà nước thâm hụt triền miên và các ngân hàng phải "gánh" nhiều khoản nợ xấu, Chính phủ Tây Ban Nha coi thăng dư thương mại là một dấu hiệu về sức mạnh kinh tế.

Tuy nhiên, Giáo sư kinh tế trường Đại học Pompeu Fabra, ông Jose Garcia Montalvo, nhấn mạnh thặng dư thương mại trên thực tế không phải là một dấu hiệu phản ánh "sức khỏe" của nền kinh tế Tây Ban Nha vì kinh tế đột nhiên ngừng phát triển thì nhập khẩu cũng rơi vào tình thế tương tự. Ông thừa nhận thông tin đáng mừng là nhập khẩu chỉ giảm đôi chút còn xuất khẩu đã tăng mạnh.

Chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Mariano Rajoy vừa phát động một chương trình khắc khổ nhằm tiết kiệm 150 tỷ euro trong giai đoạn 2012-2014 trong bối cảnh nước này đang chật vật đối phó với suy thoái và tỉ lệ thất nghiệp cao kỷ lục hơn 27%.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng các chính sách khắc khổ đang khiến suy thoái thêm trầm trọng. Chính phủ dự báo tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Tây Ban Nha năm nay sẽ giảm 1,3%./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục