Tây Ban Nha trở thành tâm điểm lo ngại tài chính

Những Khó khăn mà khu vực tài chính công ở Tây Ban Nha đang hứng chịu đã trở thành tâm điểm lo ngại trên các thị trường tài chính.
Phí tổn vay mượn của Tây Ban Nha đã tăng lên mức nguy hiểm giữa lúc thị trường trái phiếu Khu vực đồng euro phải chịu sức ép ngày càng tăng do mối lo ngại về các hoạt động tài chính công và hệ thống ngân hàng ở "xứ sở bò tót" gây ra.

Lãi suất vay mượn của Tây Ban Nha, được thể hiện qua giao dịch trái phiếu hiện có trên thị trường thứ cấp, tăng từ 6,401% lên 6,479% chốt phiên giao dịch ngày 29/5.

Mức chênh lãi suất trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm của Tây Ban Nha so với mức chuẩn của Đức lên tới 5,19%.

Đối với một nước thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu như Tây Ban Nha, tỷ lệ 6,0% được coi là nguy hiểm xét về khả năng tái huy động vốn và tỷ lện trên 7% được coi là ngoài khả năng tái huy động vốn.

Nếu Tây Ban Nha đối mặt với mức chênh tối đa, quốc gia này sẽ phải cầu viện cứu trợ vỡ nợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giống như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha.

Trong khi đó, các quan chức EU yêu cầu giấu tên cho biết Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 30/5 đã bác bỏ kế hoạch của Tây Ban Nha về phát hành trái phiếu chính phủ như vật thế chấp để vay tiền từ ECB nhằm cứu ngân hàng Bankia thoát khỏi nguy cơ phá sản.

Tuần trước, ngân hàng này đề nghị Madrid hỗ trợ thêm 19 tỷ euro (24 tỷ USD) bên cạnh gói cứu trợ 23,5 tỷ euro. Tin cho biết ECB coi kế hoạch mới của Madrid à "không thể chấp nhận được".

Các nhà quan sát dự báo quyết định trên của ECB sẽ gia tăng sức ép đối với Tây Ban Nha, song Madrid khẳng định sẽ tiếp tục vay mượn trên các thị trường vốn.

Theo các nhà quan sát, những khó khăn mà khu vực tài chính công ở Tây Ban Nha và Ngân hàng Bankia, định chế cho vay lớn thứ tư của nước này, đang phải hứng chịu đã "soán ngôi" cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp trở thành tâm điểm lo ngại trên các thị trường tài chính.

Trước đó một ngày, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha Miguel Angel Fernandez Ordonez thông báo ý định từ chức vào ngày 10/6 tới, sớm hơn kế hoạch một tháng.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng động thái của ông Ordonez không thể "tháo ngòi" tâm lý lo ngại trên thị trường về khó khăn tài chính ở Tây Ban Nha./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục