Tây Ban Nha xét lại dự luật về thị trường lao động

Tây Ban Nha tiếp tục thảo luận các chi tiết nhằm đi đến một dự luật rõ ràng hơn trước khi thông qua lần cuối trong vài tháng tới.
Ngày 22/6, Quốc hội Tây Ban Nha đã sơ bộ thông qua dự luật cải cách thị trường lao động do chính phủ đệ trình.

Do văn bản trên chỉ nhận được sự ủng hộ của đảng Xã hội cầm quyền, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận các chi tiết nhằm đi đến một dự luật rõ ràng hơn trong vài tháng tới trước khi thông qua lần cuối.

Dự luật mới tăng số hợp đồng dài hạn, siết chặt qui định về thuê lao động tạm thời và giảm phí tổn thuê nhân công.

Kế hoạch trên kêu gọi thành lập quỹ do chính phủ bảo trợ để các công ty sử dụng khi cần trợ cấp thất nghiệp. Các lao động dài hạn sẽ được trợ cấp thất nghiệp 33 ngày cho một năm làm việc, thay vì 45 ngày như qui định hiện hành.

Theo Bộ trưởng Lao động Celestino Corbacho, kế hoạch cải cách thị trường lao động của chính phủ sẽ làm lợi trực tiếp cho người thất nghiệp và lao động tạm thời, vì nó tăng cường sự linh hoạt trong cơ chế tuyển dụng nhân lực, nhưng không đe dọa an ninh việc làm, đồng thời thúc đẩy một thị trường việc làm ổn định.

Tất cả các đảng đối lập đều phản đối, coi đề xuất của chính phủ về thị trường lao động là một bước thụt lùi. Đảng Nhân dân (PP) chỉ trích dự luật này không nhằm thay đổi thị trường lao động, mà chỉ thay đổi qui định về sa thải nhân công, vì thế dễ bị lạm dụng. PP tuyên bố sẽ tìm cách sửa đổi văn bản của chính phủ.

Các nhà kinh tế đánh giá kế hoạch mới của chính phủ "không đủ mạnh," trong khi các tổ chức công đoàn kêu gọi tổng đình công vào cuối tháng Chín tới để phản đối.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha hiện chiếm 20% lực lượng lao động, đứng hàng thứ hai trong Liên minh châu Âu sau Latvia. Số người thất nghiệp gia tăng buộc chính phủ phải chi nhiều tiền hơn cho trợ cấp thất nghiệp.

Tỷ lệ thất ghiệp cao là một trong những nguyên nhân khiến thâm hụt ngân sách nhà nước của Tây Ban Nha trong năm ngoái lên đến 11,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, mức cao thứ 3 trong Khu vực đồng euro sau Hy Lạp và Ireland./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục