Tây Nam Bộ cần đẩy nhanh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu thời gian tới, các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ cần đẩy nhanh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là tái cơ cấu lao động trong nông nghiệp.
Tây Nam Bộ cần đẩy nhanh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN)

Ngày 11/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức hội nghị tổng kết năm 2015 và triển khai nhiệm vụ, phương hướng hoạt động năm 2016. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu thời gian tới, các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ cần tập trung triển khai nhanh Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, đẩy nhanh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là tái cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nhằm giảm chi phí, hạ giá thành để tăng khả năng cạnh tranh các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản.

Các tỉnh, thành phố trong khu vực cũng cần quy hoạch lại sản xuất, lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ, tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, liên kết giữa vùng với vùng. Các bộ, ngành tăng cường thông tin thị trường, mở rộng thị trường; các doanh nghiệp tranh thủ tìm kiếm các thị trường cụ thể và xây dựng thương hiệu nông sản...

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp và nông dân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng tính cạnh tranh; khẩn trương xây dựng mô hình Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới gắn kết với người dân, doanh nghiệp; tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế phục vụ sản xuất, hạ tầng xã hội phục vụ đời sống của người dân.

Các cơ quan chức năng và địa phương cần xử lý ngay các vấn đề về biến đổi khí hậu và nước biển dâng; trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường phải triển khai quyết liệt và mạnh mẽ chủ trương trên. Các bộ, ngành và địa phương cũng cần quan tâm phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo.

Các cơ quan chức năng cần nắm chắc tình hình an ninh chính trị xã hội, tăng cường đảm bảo an ninh quốc phòng đặc biệt là vùng biên giới, thúc đẩy quan hệ hợp tác tốt với các nước bạn. Các địa phương tập trung đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững, đảm bảo cung- cầu hàng hóa, kiểm soát giá cả, huy động các nguồn lực để chăm lo Tết cho người nghèo...

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong năm 2015, được sự chỉ đạo của Đảng, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ban, ngành và địa phương, các doanh nghiệp và nhân dân trong vùng, tình hình kinh tế-xã hội vùng Tây Nam Bộ tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu tăng trưởng khá so với cùng kỳ và so với bình quân chung của cả nước; quốc phòng an ninh được giữ vững và tăng cường, không để xảy ra tình huống bất ngờ khó kiểm soát.

Năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân toàn vùng đạt 7,8%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn với trên 33% trong cơ cấu kinh tế.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 40,27 triệu đồng/năm, tăng trên 2 triệu đồng so với năm 2014. Sản lượng lúa cả năm đạt 25,7 triệu tấn, tăng gần 430.000 tấn so cùng kỳ năm 2014.

Tính đến hết tháng 11/2015, toàn vùng đã xuất khẩu được 6,24 triệu tấn gạo, đạt giá trị 2,65 tỷ USD, tăng 3,6% về lượng nhưng giảm gần 5% về giá trị. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 3,8 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2014...

Về xây dựng nông thôn mới, đến nay bình quân mỗi xã trong vùng đạt 13,98% các tiêu chí; có 4 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới và 233/1.260 xã đạt 19 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới.

Các lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ... của vùng tiếp tục phát triển, văn hóa-xã hội được quan tâm đầu tư và có bước phát triển khá, đời sống người dân trong vùng ngày càng được nâng lên. Trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh trong khu vực được giữ vững, ổn định...

Năm 2016, các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; liên kết vùng để phát triển sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông thủy sản chủ lực như: Lúa gạo, thủy sản, trái cây.

Toàn vùng phấn đấu đưa tổng sản phẩm trong nước tăng khoảng 7,8%, trong đó vùng kinh tế trọng điểm (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau) tăng 7,1%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 24 tỷ USD; thu ngân sách dự kiến đạt trên 50.330 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2015.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục