"Tây Nam Bộ cần phải chủ động đào tạo nhân lực"

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý vùng Tây Nam Bộ phải chủ động quy hoạch, đào tạo nhân lực cho lâu dài để đáp ứng nhiệm vụ mới.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý các tỉnh vùng Tây Nam Bộ phải chủ động quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực cho lâu dài để đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, từng bước đưa vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển trở thành vùng trọng điểm kinh tế của cả nước và là địa bàn cầu nối chủ động hội nhập, giao thương hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực.

Phát biểu tại Hội nghị “Quy hoạch phát triển nhân lực các tỉnh vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2011-2020,” tổ chức ngày 4/12, tại thành phố Cần Thơ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý quy hoạch phát triển nhân lực các tỉnh vùng Tây Nam Bộ giai đoạn này, phải đảm bảo phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của vùng, tạo sự chuyển biến lớn để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển ổn định, làm cho đời sống nhân dân được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, giữ vững sự đoàn kết giữa các dân tộc, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Phó Thủ tướng nêu lên sự bất hợp lý trong giáo dục đào tạo bởi tỷ lệ chênh lệch quá lớn giữa các ngành học của khu vực này; nhấn mạnh mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long hiện là vựa lúa của cả nước; nông nghiệp, thủy sản là những ngành nghề chính, nhưng hiện nay tỷ lệ sinh viên theo học những ngành nông, lâm, thủy sản trong các trường đại học trong vùng lại quá thấp.

Toàn vùng có đến 11 trường đại học, một phân hiệu đại học, trường ít nhất có vài ngàn sinh viên cho đến trường lên đến 15.000 sinh viên, thế nhưng số lượng sinh viên theo học các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ đạt hơn 10%, tiếp theo là các ngành văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao chỉ đạt 0,1%. Trong khi đó ngành kinh tế tài chính, ngân hàng lại chiếm số lượng cao với tỷ lệ gần 32% sinh viên theo học.

Phó Thủ tướng chỉ đạo để khuyến khích, thu hút sinh viên chọn học các chuyên ngành nông nghiệp, thủy sản, văn hóa, nghệ thuật… phục vụ phát triển thế mạnh và phát triển toàn diện Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh, thành trong vùng cần sớm tăng cường mở rộng chuyên ngành đào tạo hoặc thành lập các trường đại học, cao đẳng các chuyên ngành đang có nhu cầu cao để đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng trưởng chưa ổn định, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tỷ trọng của ngành nông lâm nghiệp trong GDP còn chiếm tỷ lệ cao 45,9%; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, chất lượng nguồn nhân lực và các chỉ số về giáo dục đào tạo dạy nghề trong vùng còn thấp hơn so với mức bình quân chung của cả nước.

Để xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước với tốc độ tăng trường cao, các mặt văn hóa xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra giải pháp liên kết vùng về phát triển nhân lực để giải bài toán quy hoạch nguồn nhân lực sao cho bài bản, mang tính bền vững nhất cho cả khu vực.

Theo giải pháp trên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phải quy hoạch xây dựng mạng lưới đào tạo dạy nghề nội vùng, nâng tỷ lệ bình quân sinh viên đại học và cao đẳng lên 200 sinh viên/vạn dân vào năm 2020, đầu tư nâng cấp trường đại học Cần Thơ thành trường trọng điểm quốc gia, nâng cấp, thành lập và mở rộng hệ thống trường đại học và cao đẳng trong vùng tạo điều kiện cho con em các dân tộc thiểu số trong vùng nâng cao trình độ, tham gia tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội.

Phấn đấu đến năm 2020, kéo tỷ trọng nông lâm ngư nghiệp trong GDP của vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm xuống còn 30,5%, công nghiệp-xây dựng đạt 35,6%, khu vực dịch vụ đạt 33,9% và GDP bình quân đầu người đạt 57,9 triệu đồng.

Toàn vùng thành lập thêm từ 10-12 trường đại học, 22-24 trường cao đẳng và 10 trường trung cấp chuyên nghiệp và sẽ ban hành các chế độ chính sách đồng bộ hợp lý nhằm cân đối đáp ứng yêu cầu giữa các ngành nghề đào tạo./.

Thanh Sang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục