Sao giờ mới tới Tây Thiên?

Tây Thiên - Chốn thiêng giữa vùng lâm khê hùng vĩ

Trong không khí lễ hội giữa thiên nhiên Tam Đảo hùng vĩ, người lần đầu đến Tây Thiên hẳn sẽ tự hỏi lòng: “Sao giờ mới tới Tây Thiên?”
Một ngày giữa tháng Hai, theo chân những người đi hành hương và thưởng ngoạn đất trời Tây Thiên xanh biếc, chúng tôi được hòa trong không khí lễ hội và choáng ngợp giữa thiên nhiên Tam Đảo hùng vĩ, để rồi tự hỏi lòng: “Sao giờ mới tới Tây Thiên?”

Quần thể chùa và đền Mẫu nơi đây đã có từ nghìn năm, nằm ẩn mình giữa núi non hùng vĩ, tráng lệ.

Chuyện xưa còn mãi

Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 65km về phía Tây Bắc, di tích danh thắng Tây Thiên, thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, là một quần thể văn hóa du lịch tổng hợp (được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1991).

Tây Thiên là nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam và là nơi thờ tự chính Quốc Mẫu Tây Thiên, một trong hai vị Quốc Mẫu được sắc phong từ thời Hùng Vương dựng nước.

Ngọc phả thời Hùng Vương chép lại rằng, Hùng Chiêu Vương thứ bảy nghe tin ở núi Tam Đảo có quần tiên về tụ hội nên đến ngự lãm. Vua đã gặp bà Lăng Thị Tiêu, sắc phong làm Hoàng phi và tạo nên một mối tình đẹp nhất trong 18 đời vua Hùng.

Tương truyền bà là con của Trời Đất, do khí thiêng sông núi sinh ra.

Bà Lăng Thị Tiêu đã giúp vua đánh giặc, mở mang bờ cõi, dạy dân trồng lúa, chăn tằm và chăm lo cho dân chúng trong vùng.

Các triều đại về sau, từ Đinh, Lý, Trần, Lê đều sắc phong bà là Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu tối linh đại vương - Đệ nhất Thượng đẳng phúc thần, hàng năm đều cử các quan đại thần lên cúng tế.

Bà còn được coi là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn, một trong những Thánh Mẫu Tứ Phủ chuyên trách cai quản và sáng tạo vũ trụ.

Khu đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên nằm trên đỉnh núi Thạch Bàn, thuộc dãy Tam Đảo, có năm đền lớn được xây từ thế kỷ 16-17, giữa khung cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, nguyên sơ. Dưới đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên có hệ thống đền thờ Cô, thờ Cậu, đền Trình.

Ngày nay, để tưởng nhớ công ơn của bà, bắt đầu chính hội từ ngày 15/2 Âm lịch hàng năm, nhân dân khắp nơi lại đổ về Tây Thiên dâng hương cúng lễ và cầu xin sự chở che của Quốc Mẫu Tây Thiên.

Quần thể di tích danh thắng Tây Thiên còn là một trong những trung tâm Phật giáo rộng lớn và ra đời sớm nhất ở Việt Nam, tập trung tám ngôi đền, chùa cổ.

Tây Thiên cũng là nơi ẩn tu nghiêm cẩn của các sư cô tại Tịnh thất Tây Thiên theo Phật giáo Mật Tông, truyền thừa Drukpa.

Lễ hội thiêng liêng mà gần gũi

Lễ hội Tây Thiên năm nay được tổ chức trong ba ngày 15, 16, 17 tháng Hai Âm lịch (tức ngày 7, 8, 9 tháng Ba Dương lịch).

[Vĩnh Phúc khai hội Tây Thiên Xuân Nhâm Thìn]

Phần Lễ gồm có lễ cáo, lễ rước và lễ dâng hương. Lễ rước diễn ra vào ngày 15/2 Âm lịch từ đền Mẫu Sinh đến đền Thỏng với đường hành rước lên đến 4200m và hoạt cảnh chèo mô tả lại truyền thuyết Quốc Mẫu Tây Thiên đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất giang sơn.

Ngoài phần lễ là phần hội với các trò diễn dân gian như vật dân tộc với cách thách đấu giữ giải, thi làm bánh chưng, bánh dày; các trò chơi dân gian như kéo co, chọi gà, múa sư tử, cờ người; các hình thức diễn xướng dân ca như hát soọng – cô của người dân tộc Sán Dìu, giao lưu hát chèo, hát chầu văn và liên hoan văn nghệ hội trại.

Lễ hội Tây Thiên cũng cờ, cũng lọng, cũng các trò diễn và trò chơi dân gian, mà sao không giống nhiều lễ hội truyền thống khác. Có gì đó thanh hơn và dễ lắng lòng hơn.

Công chúng đến với Tây Thiên còn được giới thiệu những sản vật đặc sắc của vùng đất nơi đây, đó là  cơm cháy, bánh chưng Tày, bánh rán, kẹo lạc vừng.

Chúng tôi trò chuyện với chị Vấn - người phụ nữ bán các đặc sản Vĩnh Phúc, chị nói: “Chúng tôi chỉ lấy hàng bán cho khách về Tây Thiên thích mua sắm được thỏa lòng. Không lấy lãi đâu. Bánh chưng ngon lắm, bán 20.000 đồng/chiếc. Bán hàng để quảng bá, giới thiệu thôi.”

Khu phục vụ lễ hội, do đoàn thanh niên tổ chức, cũng rộn ràng kiểu rất "đoàn thể," không nhuốm màu bán buôn, mánh lới.

Một người phụ nữ cắp rổ bánh tẻ bốc khói ra bán. Một nhóm người đi hội xúm lại mua. Bánh tẻ ngon lành, nóng hổi chỉ có 3000 đồng/chiếc, không có mặc cả kì kèo. Trong thoáng chốc, rổ bánh hết veo, người bán hàng vui vẻ cầm rổ không trở về.

Chúng tôi vào một nơi gọi là nhà hàng, nhưng mang đậm chất hợp tác xã mua bán ngày xưa. Khách kéo thẳng vào trong chẳng ai ra hỏi, ngồi ghế đợi chẳng thấy ai mời. Gọi dăm câu, một cô gái xuất hiện, vừa nghe yêu cầu “mỳ…” liền đáp nối “…bò” nhanh như “bắt tín hiệu.” Chỉ sau vài phút, đồ ăn được bê ra khá khẩn trương. Chất lượng chân chất và giá cả thì khá dễ chịu.

Chị Hương, giáo viên trung học cơ sở ở Hà Nội nói: “Là người đi lễ hội nhiều nơi, tôi thấy Lễ hội Tây Thiên sao mà thân thiện, mộc mạc, đem đến cái thú riêng cho những người đi hành hương, vãn cảnh.”

Lễ hội Tây Thiên có sự "vừa đủ." Đủ đông vui mà không chen chúc, đủ thanh tao mà không vắng vẻ. Có lẽ bởi vậy mà Tây Thiên trở nên khác biệt với các danh thắng khác. Người đi lễ hội thấy tâm hồn thanh tịnh, thong dong, tận hưởng cảm giác đích thực của việc hành hương về đất Phật.

Một địa chỉ du lịch tâm linh

Việc có tuyến cáp treo sẽ là một bước chuyển lớn với quần thể di tích Tây Thiên bởi việc đi bộ lên đền Thượng hơi quá sức đối với nhiều người, và còn mất khá nhiều thời gian.

[Khai trương cáp treo Tây Thiên công nghệ hiện đại]

Nếu thay bằng cáp treo, du khách chỉ mất hơn 10 phút là được chìm trong không gian mở giữa núi non, cây cối, lâm khê trùng điệp.

Trao đổi cùng một nhà quản lý, phóng viên Vietnamplus được biết trong quá trình thi công cáp treo, để  giữ nguyên một ngọn đa trên tuyến lắp đặt, nhà đầu tư đã phải chi thêm 1 tỷ đồng để nối cao thêm cột trụ cáp treo.

Nhà đầu tư còn cho biết: “Sau này trên đường thi công cáp treo sẽ có kế hoạch trồng cây, sửa sang cảnh quan để du khách ngắm từ trên buồng cáp, giống như cáp treo bên Malaysia.”

Điều băn khoăn còn lại là giá vé đi cáp treo khứ hồi lên đền Thượng có mức giá 180.000 đồng. Mức giá này có vẻ hơi cao so với mặt bằng dân lao động về từ các địa phương về hành hương.

Khi được hỏi, một số người cao niên cho biết để tiết kiệm và ý nghĩa họ sẽ đi một chiều. Một là đi lên cho thành tâm rồi đi xuống mua vé 100.000 đồng.

Giới trẻ thì chọn “bay lên” rồi đi bộ xuống sẽ đỡ mệt hơn. Một bạn sinh viên nói: “Phải có trèo đèo, lội suối một chút cho có chất 'du lịch mạo hiểm' mới thú."

Đại diện của Ban quản lý Quần thể di tích Tây Thiên cho biết: “Chúng tôi sẽ làm hệ thống đèn trên đường mòn đi bộ cho du khách có nhu cầu khám phá núi rừng vào ban đêm."

Tây Thiên hôm nay đang chờ chuyển mình để trở thành một quần thể du lịch sinh thái, du lịch tâm linh hấp dẫn du khách bốn phương./.


PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục