TBN sớm phát hành trái phiếu mới dù lãi suất tăng

Tây Ban Nha sẽ sớm phát hành trái phiếu mới để hỗ trợ các ngân hàng đang chao đảo vì nợ xấu mặc dù chi phí vay mượn nước này tăng.
Tây Ban Nha sẽ sớm phát hành trái phiếu mới để có nguồn tài chính hỗ trợ các ngân hàng đang chao đảo vì nợ xấu và các chính quyền địa phương đang ngập trong nợ nần, mặc dù chi phí vay mượn của nước này đã gần lên tới mức mà các nước khác phải tìm kiếm nguồn cứu trợ từ bên ngoài.

Việc rót tiền cho các ngân hàng và khu vực trong nước sẽ làm tổn hại tới tính thanh khoản và làm tồi tệ thêm ngân khố của Tây Ban Nha, trong khi các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao tình hình tài chính của nước này còn giới chức châu Âu lo ngại nền kinh tế lớn thứ tư trong khu vực đồng euro (Eurozone) có thể sẽ nối gót Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland xin cứu trợ.

Mức chênh lệch lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha so với trái phiếu có độ an toàn cao hơn của Đức trong ngày 28/5 đã lên tới mức cao nhất kể từ khi đồng euro được đưa vào lưu hành năm 1999 và tiếp tục leo lên 6,7% trong ngày 30/5.

Tuy nhiên, Thủ tướng Mariano Rajoy vẫn nhiều lần khẳng định Tây Ban Nha vẫn không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ bên ngoài. Tây Ban Nha hy vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục chương trình mua trái phiếu để giúp hạ chi phí vay mượn của nước này mà vốn đã tăng vọt trong suốt thời gian xảy ra khủng hoảng.

Tây Ban Nha đã phát hành được trên 55% lượng trái phiếu dự kiến phát hành trong năm nay, và đang có ít nhất 20 tỷ euro trong kho bạc cùng với hơn 4 tỷ euro trong quỹ tái cơ cấu ngân hàng.

Đây là nguồn tài chính để nước này có thể sử dụng để cứu trợ ngân hàng và các chính quyền địa phương. Tuy nhiên, chính quyền trung ương và địa phương Tây Ban Nha sẽ phải tái cấp vốn 98 tỷ euro trong số 117,5 tỷ euro nợ đến hạn cần trả trong năm nay và bù trợ cho số thâm hụt 52 tỷ euro.

Trong tình thế đó, một nguồn tin cho biết Chính phủ Tây Ban Nha sẽ thông qua vào cuối tuần này một cơ chế mới cho phép Bộ Tài chính trợ giúp cho các khu vực với các điều kiện ngặt nghèo về mục tiêu thâm hụt và việc thực hiện các kế hoạch khắc khổ.

Bên cạnh đó, Tây Ban Nha sẽ củng cố hệ thống tài chính thông qua việc khuyến khích việc sáp nhập các ngân hàng. Ba ngân hàng là Ibercaja, Liberbank và Caja3 đang nghiên cứu khả năng sáp nhập để thiết lập ngân hàng lớn thứ 7 ở Tây Ban Nha.

Tình trạng các ngân hàng Tây Ban Nha đang có số nợ xấu lên đến hàng trăm tỷ euro sau khi bong bóng bất động sản vỡ năm 2008 cộng với tình hình khó khăn của các chính quyền khu vực và địa phương ở Tây Ban Nha đang là mối lo ngại lớn nhất của nước này hiện nay.

Theo một nguồn tin của chính phủ, Tây Ban Nha có thể sẽ tái cấp vốn cho ngân hàng Bankia thông qua việc phát hành trái phiếu và rút tiền mặt từ quỹ tái cơ cấu ngân hàng cũng như nguồn dự trữ của Bộ Tài chính./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục