Tế bào gốc từ tinh hoàn thay tế bào từ phôi người

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm sinh học tái sinh và y học tại Tuebingen (Đức) đã chứng minh được rằng tế bào gốc lấy từ tinh hoàn ở nam giới có thể thay thế tế bào gốc lấy từ phôi người, mở ra triển vọng mới cho việc phát triển các mô thay thế ở người.

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm sinh học tái sinh và y học tại Tuebingen (Đức) đã chứng minh được rằng tế bào gốc lấy từ tinh hoàn ở nam giới có thể thay thế tế bào gốc lấy từ phôi người, mở ra triển vọng mới cho việc phát triển các mô thay thế ở người.

Theo tạp chí khoa học Nature (Anh) số ra ngày 9/10, các nhà nghiên cứu đã lấy tế bào gốc từ các mô tinh hoàn đã được sinh thiết của 22 nam giới trong độ tuổi từ 17 đến 81. Sau vài tuần, những tế bào trên đã phát triển thành những tế bào khác nhau tương tự như những tế bào được hình thành từ tế bào gốc lấy từ phôi người.

Từ kết quả này, các nhà khoa học kết luận rằng tế bào gốc lấy từ tinh hoàn ở nam giới có thể thay thế tế bào gốc lấy từ phôi người.

Phát hiện mới này sẽ giúp các nhà khoa học tránh được các vấn đề liên quan đến đạo đức và tín ngưỡng trong quá trình nghiên cứu.

Tế bào gốc được coi là "cứu tinh" của con người trong cuộc chiến chống lại các bệnh nan y như ung thư, tim mạch, tiểu đường, liệt rung, mất trí nhớ, chấn thương tủy sống, đột quỵ, bởi nó có thể phát triển thành bất cứ loại nào trong 220 loại tế bào trong cơ thể con người.

Tuy nhiên đến nay tế bào gốc mới chỉ được lấy từ phôi người và việc này gây ra tranh cãi về đạo đức bởi vì để tạo ra được tế bào gốc, các nhà khoa học phải hủy đi một phôi người. Chính vì rào cản này mà nghiên cứu về tạo tế bào gốc còn rất hạn chế và rất ít phòng thí nghiệm có đủ nguồn lực và trình độ kỹ thuật để nghiên cứu tế bào gốc từ phôi người.

Trong năm 2007, các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản cũng đã phát triển thành công tế bào gốc từ da người và đã đạt bước tiến mới khi tạo ra được tế bào gốc với một mã gen cụ thể của bệnh nhân, có thể loại trừ nguy cơ cơ thể người bệnh không thích ứng với mô hay tạng được cấy ghép. Đây được coi là những thành tựu lớn trong giới y học./.

(TTXVN)  

Tin cùng chuyên mục