Tên lửa vũ trụ của Hàn không được bảo hiểm

Theo báo chí Hàn Quốc, tên lửa vũ trụ đầu tiên của nước này chưa được mua bảo hiểm trong khi ngày dự kiến phóng đang đến gần.
HTML clipboard Bảo hiểm tài sản, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm mọi trường hợp rủi ro là điều đương nhiên trong nếp nghĩ của người Hàn Quốc. Tuy nhiên, theo thông tin của báo chí trong nước, tên lửa vũ trụ đầu tiên của Hàn Quốc, lại chưa được mua bảo hiểm trong khi ngày dự kiến phóng đang đến gần.
 
Sự kiện Hàn Quốc phóng tên lửa vũ trụ mang tên Naro hay KSLV-1 thu hút sự quan tâm không chỉ của dư luận trong nước mà cả quốc tế. Cũng chính việc Hàn Quốc đã phải hoãn phóng tên lửa này tới 7 lần khiến mối lo ngại vụ phóng sẽ không thành công càng gia tăng. Lúc này báo chí mới đặt câu hỏi có gì bảo đảm cho vụ phóng này hay không, trong trường hợp vụ phóng thất bại, cơ chế bảo hiểm sẽ ra sao?
 
Đến lúc này người phát ngôn Học viện Nghiên cứu Vũ trụ Hàn Quốc (KARI), bên chủ trì dự án phóng thử tên lửa đầy tốn kém này mới cho biết KSLV-1, trị giá hơn 504 tỷ uôn chưa được bảo hiểm. Theo người phát ngôn KARI, trong vài năm qua, song song với việc tập trung chế tạo tên lửa, viện cũng tìm kiếm bên bảo hiểm để đảm bảo cho trường hợp phóng thử thất bại.
 
Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm yêu cầu khoản tiền bảo hiểm quá lớn, đặc biệt trong trường hợp vụ phóng thất bại. Vì thế cho đến thời điểm này, KARI đã quyết định phóng KSLV-1 mà không cần bảo hiểm. Cũng theo nguồn tin trên, thực tế việc bảo hiểm cho các cuộc thử nghiệm là rất khó khăn, vì thế hầu hết các loại tên lửa thí nghiệm trên thế giới đều không có bảo hiểm.
 
Tuy nhiên, để chủ động giảm bớt thiệt hại, KARI đã tìm được một phương án bảo hiểm mới: theo đó dù vụ phóng thử KSVL-1 có thành công hay không, viện này vẫn sẽ tiến hành 2 cuộc phóng thử nữa vào năm 2010 và 2011. Đổi lại, viện này sẽ nhận được bảo hiểm trị giá tối đa 200 tỷ won cho bất cứ rủi ro nào trong vụ phóng thử KSLV-1. Hiện tại KARI chưa tiết lộ nhà bảo hiểm nào đã ký hợp đồng bảo hiểm này song báo The Korea Times nói rằng Samsung Fire & Marine Insurance là nhà bảo hiểm chính.
 
Hàn Quốc đã đầu tư 502,5 tỷ won (khoảng 402,4 triệu USD) cho tên lửa vũ trụ KSLV-1 có chiều cao 33m và đường kính 2,9m. Tên lửa này có 2 tầng: tầng một sử dụng động cơ đốt lỏng do Nga sản xuất; tầng 2 sử dụng động cơ đốt cứng do Hàn Quốc sản xuất. Theo các chuyên gia KARI, thông qua việc hợp tác với Nga trong sản xuất KSLV, các chuyên gia Hàn Quốc muốn học tập được kiến thức công nghệ để có thể nội địa hóa hoàn toàn các phần của tên lửa vào năm 2018.
 
Theo kế hoạch, đến năm 2015 Hàn Quốc sẽ phóng được tên lửa tới quỹ đạo mặt trăng. Nếu ngày 25/8 tới, vụ phóng KSVL được thực hiện thành công, Hàn Quốc sẽ ghi tên mình vào danh sách 10 quốc gia trên thế giới đưa được vệ tinh vào quỹ đạo từ lãnh thổ của mình./.

Khánh Vân/Seoul (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục