Tết đắp nọi người Tày

Tết đắp nọi - Nét đẹp văn hoá của đồng bào Tày

Theo truyền thống, người Tày thường đi chơi hết tháng Giêng, sau đó quay lại nhà mình “ăn Tết lại” để kết thúc tháng ăn Tết.
Vào ngày 30 tháng Giêng hàng năm, đồng bào Tày ở Bắc Kạn tổ chức Tết đắp nọi (đắp nọi nghĩa là ăn Tết lại).

Theo phong tục truyền thống xưa, người Tày thường đi chơi hết tháng Giêng, từ nhà này đến nhà khác, bản này đến bản khác. Sau đó quay lại nhà mình “ăn Tết lại” để đánh dấu kết thúc tháng ăn Tết, kết thúc cuộc vui, bắt đầu vào một mùa lao động mới.

Tất bật chuẩn bị ngày Tết đắp nọi của gia đình mình, anh Nông Văn Hóa, ở thôn Nà Lừu, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể cho biết: "Những ngày này các gia đình người Tày thường nấu rượu, gói bánh chưng, mổ gà, đồ xôi... làm mâm cỗ cúng tổ tiên, sau đó làm bánh trôi, bánh khúc (gọi là pẻng khúa, loại bánh làm bằng bột nếp trộn với lá rau khúc hái ở ruộng cạn rồi cho vào chảo mỡ rang lên). Ngoài ra còn làm thêm bánh rán, bánh lá ngải."

Hiện nay, hầu hết các gia đình người Tày ở tỉnh Bắc Kạn đều tổ chức Tết này. Nhưng trước đó, các gia đình đã bước vào sản xuất từ mùng 4, mùng 5 Tết. Riêng các lễ hội tổ chức đến mùng 10 tháng Giêng.

Tết đắp nọi được tổ chức là dịp gặp gỡ giao lưu của các gia đình, dòng họ đồng thời có ý nghĩa nhắc nhở mọi người cùng phấn đấu lao động, sản xuất cần cù trong vụ mùa mới, con cháu chăm học tập, lao động./.

Lý Thị Thanh Hương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục