Tết đến ấm tình quân dân trên đảo Song Tử Tây

Hình ảnh làm thịt lợn, gói bánh chưng, cây mai vàng, làm khung cảnh Tết với người lính và dân đảo thêm ấm áp, ngập tràn sức xuân.
Sau những ngày lênh đênh trên biển, những con sóng dữ vỗ mạnh vào mạn thuyền do ảnh hưởng của bão khiến nhiều người trên tàu say sóng. Từ xa xa, hình ảnh ngọn hải đăng mờ ảo hiện lên trong ánh chiều tà thì cũng là lúc con tàu hải quân HQ996 mang hàng hóa, quà Tết thắm đượm tình cảm của người dân đất liền cũng cập đảo Song Tử Tây mang theo một mùa xuân ấm áp tình người.

Khi đoàn công tác vào đảo, ở bất cứ nơi nào không khí đón Tết cũng đã bắt đầu. Mỗi hộ dân sống ở đây đều phấn khởi và vui mừng, rộn ràng chuẩn bị trang hoàng, dọn dẹp nhà cửa đón xuân. Tiếng trẻ con í ới gọi nhau xúng xính quần áo mới, người lớn tập trung gói bánh chưng chung, từng cành mai giả, cành đào được đặt trong nhà báo hiệu một mùa xuân mới tràn đầy sức sống đã đến với hộ dân trên đảo Song Tử Tây.

Khu ở của chiến sĩ lính đảo đang vội vã treo pano, chùm đèn lên cây phong ba, mai vàng, hình ảnh làm thịt lợn, gói bánh làm khung cảnh Tết đến sớm với lính đảo thêm ấm áp và ngập tràn sức xuân.

“Chở” không khí Tết ra đảo


Mất ba ngày từ cầu cảng Cam Ranh ra đảo Song Tử Tây, thời tiết xấu, biển động mạnh đã khiến tàu HQ996 phải neo đậu trên biển. Mặc dù chỉ cách đảo có hơn 1km nhưng những đợt sóng cao, gào thét như muốn đổ ập xuống cuốn trôi mọi thứ ngăn cản nó khiến hành trình vào đảo của chúng tôi phải lùi thêm hai ngày nữa. Trên tàu, ai cũng mong trời yên biển lặng để có thể tiếp cận và mang quà Tết đến hải đảo.

Theo kế hoạch, tàu sẽ dừng lại để các đơn vị chuyển quân đồng thời tháo dỡ các loại hàng hóa nhu yếu phẩm quà Tết xuống những chiếc xuồng nhỏ để chuyển vào đảo.

Vượt qua từng đợt sóng cao từ 3-5m như muốn cản đường đoàn, phải khó khăn lắm, chiếc tàu nhỏ chở chúng tôi mới có thể cập vào được âu tàu Song Tử Tây. Ngồi trên tàu, nhìn từ xa, khu vực cầu cảng đã đông cán bộ và chiến sĩ chờ sẵn. Khuôn mặt ai ai cũng phấn khởi và vui mừng, những cái bắt tay thân thiết, cử chỉ, lời chào của chiến sĩ và người dân đã khiến mọi vất vả, mệt nhọc trong cả chặng đường tiêu tan để nhường lại cảm giác đầm ấm, háo hức, xích lại gần nhau.

Quệt ngang giọt mồ hôi trên mặt, miệng nở nụ cười tươi rói, giọng sang sảng của dân miền biển Khánh Hòa, chị Nguyễn Thị Mạnh Kiều, sinh sống từ năm 2008 trên đảo Song Tử Tây vui mừng nói: “Được đón đoàn công tác đến với đảo trong những ngày cuối năm nghĩa là Tết này lính đảo và bà con nơi đây sẽ đón một cái Tết đầy đủ, đầm ấm không khác gì đất liền.”

Đại tá Nguyễn Đức Vượng, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã có hàng chục năm đi theo đoàn công tác chúc Tết trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa nhưng mỗi năm ra đảo chúc Tết thì lại là những cảm xúc khác nhau.

“Được hỏi han tình hình sức khỏe chiến sĩ công tác trên đảo, tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân và sự đổi thay từng ngày của đảo là một niềm vui với tất cả những người chỉ huy như chúng tôi với tấm lòng luôn hướng về Trường Sa để chăm lo đời sống cho chiến sĩ,” Đại tá Vượng hồ hởi nói.

Đại tá Vượng cũng cho biết thêm: “Theo thông lệ cứ đến cuối năm đất liền sẽ cho những chuyến tàu ra đảo để tạo nên một cầu nối chứa đựng tình cảm, tấm lòng, sự động viên của mọi người dân hướng về hải đảo trong những ngày giáp Tết và mong rằng các chiến sĩ hãy luôn vững tay súng bởi Tổ quốc và đất liền luôn sát cánh cùng người dân và chiến sĩ nơi đảo xa.”

Gói bánh chưng bằng lá bàng vuông

Khi đoàn công tác đã lên đảo, từng mặt hàng được vận chuyển và trao quà đến từng cụm đơn vị thì cũng là lúc không khí đón xuân trên đảo nhộn nhịp khác lạ so với ngày thường.

Năm trước, mọi hộ dân vẫn nhớ không khí Tết của đảo như một nhà, lính đảo và bộ đội đi chúc từng nhà khiến cho mỗi người dân đảo cảm nhận như người lính. Trên đảo không có cây thật thì tự tạo cây giả để đón không khíTết.

Tại nhà các hộ dân, bà con bắt đầu dọn dẹp trang hoàng nhà cửa để chuẩn bị đón Tết sớm. Trong căn nhà số 3 trên đảo Song Tử Tây khang trang rộng rãi, gia đình anh Ngô Cần và chị Nguyễn Thị Chí đang rộn ràng tiếng nói cười, mỗi người tự bảo nhau san sẻ làm việc nhà để đón Tết.

Chị Chí đang lau chùi những lá mai vàng bằng nhựa trên sàn nhà để lắp ghép cẩn thận vào thân cây, đèn nhấp nháy cũng được mang ra để cây mai khoác lên mình một bộ áo mới tượng trưng cho cuộc sống sung túc tiền tài của người dân.

Ngay cạnh đó, anh Cần chồng chị đang cần mẫn làm cành đào giả với giấy màu và bìa cáctông để không khí Tết đầy đủ. Anh vốn quê ở Nghệ An, Tết với những người dân quê anh bằng mọi giá cũng phải có cành đào trong nhà.

“Tết đến xuân về, mỗi hộ dân đều có những cành mai vàng đón xuân. Với mỗi người con đi xa và ra đảo sinh sống thì dịp này trong nhà nhất định phải có cành đào để đỡ trống trải, nhớ nhà,” anh Cần trầm ngâm nói.

Mặc dù có lá dong gửi từ đất liền ra đảo nhưng tất cả hộ dân và chiến sĩ nơi đảo xa đều dùng lá bàng vuông, một biểu tượng đặc trưng mang hơi thở của đảo Song Tử Tây làm lá gói. Bên cạnh đó, lá dừa cũng có thể trưng dụng để gói.

Lá bàng vuông có nhiều gân, xù xì, nhỏ và ngắn hơn lá dong nhưng lại có thể đứng vững trước sóng gió hải đảo. Từ cổng nhà dân hay trước phòng làm việc ở mọi nơi trên đảo đều trông cây bàng vuông làm bóng mát để tạo sức sống xanh mãnh liệt trên đảo.

Chứng kiến gia đình anh Nguyễn Xuân Quang và vợ Huỳnh Thị Thanh Thư, hộ dân số 5  trên đảo đang tấp nập dưới bếp gói bánh. Mùi gạo nếp thơm lừng, hạt đỗ xanh vàng óng, nhân thịt lợn béo ngậy được chiến sĩ đảo phân phát cho gia đình anh quện nên một chiếc bánh mang đủ sắc màu, mùi vị quê hương.

“Dù thời tiết khắc nghiệt với bão gió và nước mặn biển nhưng cây bàng vuông lại vẫn phát triển và lớn lên từng ngày. Các hộ dân nơi đây đều dùng lá bàng để gói bánh chưng để cảm nhận màu xanh của nước biển, hơi thở mằn mặn của muối, vị chát của lá bàng hòa lẫn cùng mùi thịt gạo. Tất cả đem lại cho bánh một vị chỉ có riêng ở hải đảo xa xôi,” anh Quang hí hửng khoe nét đặc trưng riêng của đảo

Trong khi đó, ở khu vực hậu cần của chiến sĩ đảo Song Tử Tây, không khí đón Tết cũng tất bật và khẩn trương không kém.

Tại mỗi phòng, từng khẩu hiệu được dán vào băngrôn treo lên, đèn trang trí được uốn quanh cây mai giả, tờ báo tường mừng xuân được trang trọng đặt một góc phòng với những cảm xúc, suy tư của lính đảo về ngày Tết. Dưới bàn tay khéo léo của lính đảo khu vực hội trường đón giao thừa trở nên đẹp rạng ngời.

Ở khu khác, các chiến sĩ đang thoăn thoắt tay gói từng chiếc bánh chưng gửi hương vị Tết đến từng chiến sĩ ăn Tết xa nhà. Đâu đó, có tiếng í ới gọi nhau đuổi heo gọn vào góc để bắt làm thịt, tiếng dao chặt thịt, tiếng giã cối ròn rã.

Trung úy Trịnh Văn Hiếu, Trưởng xe tăng đảo Song Tử Tây được phân công làm nhiệm vụ gói và trông bánh chưng. Với anh, mỗi lần gói bánh cho cả đơn vị là một lần được mang Tết đến với chiến sĩ, là nhiệm vụ mà không phải ai cũng được giao vì gói bằng lá bàng vuông, lá dừa khó hơn gói bằng lá dong rất nhiều.

“Phải nêm thật chặt không thì gạo và nhân sẽ bị bung ra ngoài. Lá phải xếp vuông vắn thì bánh chưng mới vuông thành sắc cạnh. Đêm đêm trông bánh chưng dưới ánh lửa củi bập bùng, mùi khói xộc thẳng vào mũi lại tạo cho anh em cảm giác nhớ nhà, nhớ những thời thơ ấu nấu bếp rơm, củi, những lúc sum vầy gia đình đêm Giao thừa. Những lúc đó, anh em lại động viên nhau bằng cách mang đàn guitar ra ngồi hát để vơi đi nỗi niềm,” anh Hiếu chia sẻ.

Khi mọi công việc hoàn tất, trong không khí vui vẻ đầm ấm, bên cành hoa đào và cây mai vàng, mọi người cùng nhau nâng ly rượu với những lời chúc hạnh phúc bên mâm cỗ đầy đủ, ngập tràn yêu thương.

Chia tay Song Tử Tây trong chiều vàng lộng gió, hình ảnh bà con và chiến sĩ vẫn đọng mãi trong tâm trí đoàn công tác với lời ca Song Tử Tây vang vọng trong mỗi người được hát lên bởi tình quân dân, những người ngày đêm canh giữ biển đảo: “Biển này là của ta, Trường Sa là của ta. Dù bão tố, dù phong ba, ta vẫn không ngại chi... đem sức trai giữ vững biển trời Tổ quốc ta.”/.

Đỗ Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục